A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên Thái Bình thi đua phát triển kinh tế

Những năm gần đây, ở các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả do thanh niên làm chủ. Đây là kết quả từ sự năng động, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên của tự thân mỗi thanh niên và sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức đoàn các cấp.

 

Mô hình trồng măng tây của anh Nguyễn Bá Duẩn (người đứng giữa), thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (Quỳnh Phụ).

Từng du học ở nước ngoài, công tác tại Công ty Giống cây trồng Trung ương nhưng anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) lại chuyển hướng về quê lập nghiệp. Anh đầu tư hàng tỷ đồng trồng măng tây và nho. Với 3.000m2 trồng măng tây, anh Duẩn bước đầu thu từ 15 - 20kg/ngày, thu hoạch từ 2 - 2,5 tháng rồi lại nghỉ dưỡng cây. Bình quân mỗi ngày sau trừ chi phí anh Duẩn thu được 500.000 đồng. Anh cũng có 2.000m2 trồng nho hạ đen sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên vào tháng 10 tới đây. 

Anh Duẩn cho biết: Tôi muốn dựa vào quê hương để phát triển kinh tế. Tôi cũng muốn sử dụng kinh nghiệm, kiến thức của mình để phát triển kinh tế gia đình và làm mô hình để bà con có thể tham khảo, học tập, góp phần cho nền nông nghiệp của địa phương phát triển hơn.

Cũng lựa chọn quê hương để khởi nghiệp và tiếp nối nghề truyền thống gia đình, anh Vũ Đức Thịnh, thôn Vũ Đông, xã Thụy Xuân (Thái Thụy) đã trở thành triệu phú trẻ ở địa phương. Với diện tích 16 sào ao nuôi cá vược, cá song, tôm giống, cua, nếu mọi việc thuận lợi anh Thịnh thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng mỗi năm. 

Anh Thịnh cho biết: Gia đình có sẵn nghề nuôi trồng thủy sản nên tôi lựa chọn ở quê để phát triển kinh tế. Với tôi, khó khăn nhất là vốn. Tôi muốn tìm những con có giá trị kinh tế cao để nuôi và rất mong các cấp bộ đoàn quan tâm đến thanh niên hơn nữa, có sự kết nối, hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

 

Mô hình trồng cây cảnh của anh Phạm Đình Chinh, tổ 20, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.

Những câu chuyện như của anh Duẩn, anh Thịnh không hiếm ở các địa phương. Với mong muốn có thu nhập nhanh chóng, không ít bạn trẻ lựa chọn công việc đi làm thuê, lập nghiệp ở các địa phương khác. Việc đoàn viên, thanh niên đi khỏi địa phương cũng gây nhiều khó khăn cho công tác đoàn và phong trào thanh niên. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. 

Chị Phan Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Thái Thụy có khoảng 200 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho hiệu quả kinh tế khá cao. Thực hiện phong trào đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đã tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên. Cụ thể, chỉ đạo các cơ sở đoàn, hội thành lập các câu lạc bộ, nhóm thanh niên phát triển kinh tế cùng lĩnh vực, cùng sở thích để chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho thanh niên là chủ các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ nhiều thanh niên vay vốn để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Tuy số tiền vay không lớn nhưng đó chính là động lực để thanh niên bứt phá đi lên.

 

Gia trại của anh Trịnh Công Vinh, xã An Vinh (Quỳnh Phụ) - 1 trong 3 gương mặt trẻ của Thái Bình nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020.

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Từ sự cố gắng, nỗ lực của bản thân và sự đồng hành của tổ chức đoàn các cấp, đã có hàng nghìn mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Điểm nổi bật của các mô hình này là khai thác tối đa điều kiện sẵn có ở địa phương. Từ những loại nông sản, làng nghề truyền thống, đất ruộng vốn có, mỗi người lại có sự sáng tạo, đổi mới để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất sản xuất và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế về vốn vay và chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn thành lập các hợp tác xã thanh niên, các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thanh niên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương.


Tác giả: Theo baothaibinh.com.vn
Nguồn:https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/123834/thanh-nien-thai-binh-thi-dua-phat-trien-kinh-te Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 109
Năm 2024 : 57.172