"Trầm tích" Bắc Sơn
Xã Bắc Sơn (Hưng Hà) là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và yêu nước, cách mạng được bồi tụ qua mỗi giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Phát huy truyền thống đó, Bắc Sơn hôm nay đang chuyển mình bứt phá, diện mạo làng quê đổi mới khang trang, hiện đại hòa quyện trong những “trầm tích” của quá khứ hào hùng.
Đình Vinh Thọ, thôn Tân Dân (xã Bắc Sơn) từng là nơi đặt trạm giao liên của các tổ chức cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tỏa sáng mạch nguồn truyền thống Vùng đất cổ Bắc Sơn xưa kia thường gọi là Tạ Xá với tên nôm là làng Tè. Tương truyền vào thế kỷ thứ X, nơi đây diễn ra trận đánh lục đầu giang trong cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất gắn với tên tuổi vua Lê Đại Hành. Bởi vậy, các đình, đền, miếu ở Bắc Sơn đều thờ vị vua này. Trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đây không chỉ là nơi nhân dân thực hành tín ngưỡng mà còn là cơ sở cách mạng trong vùng. Những cái tên như chùa Cả, đình Vinh Thọ, Thắng Đức, Vinh Tiến và miếu Tứ Xá… là chứng tích lịch sử văn hóa, cách mạng gắn liền với mảnh đất và con người Bắc Sơn.
Mặc dù tổ chức đảng ở Bắc Sơn thành lập muộn hơn so với các địa phương khác nhưng từ những năm 1940 - 1945, phong trào đấu tranh của nhân dân Bắc Sơn đòi giảm tô, thuế đã được khởi phát. Ở địa phương đã xuất hiện nhiều tổ chức quần chúng bí mật, hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú và tập hợp được đông đảo quần chúng đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Theo lịch sử Đảng bộ xã Bắc Sơn, năm 1944, hai thầy giáo Hoàng Đình Cuông và Lê Thanh được tổ chức phân công về xã Bắc Sơn dạy chữ quốc ngữ. Lớp học được đặt tại đình Vinh Thọ. Cùng với việc dạy chữ, hai thầy giáo tích cực truyền bá và vận động xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Nhiều con em quê hương Bắc Sơn đã giác ngộ và trở thành những “hạt giống đỏ” của cách mạng ở vùng quê này.
Ngày 19/8/1945, quần chúng cách mạng ở khắp nơi trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Chiều hôm đó, sau khi Quỳnh Côi giành chính quyền, đoàn người hơn 200 người kéo lên chi viện cho Tiên Hưng đã đi qua xã Bắc Sơn. Nhiều người dân trong xã đã nhập vào đoàn người biểu tình kéo lên phủ lỵ Tiên Hưng. Ông Nguyễn Thế Nùng, 92 tuổi, 70 năm tuổi đảng, thôn Minh Đức (Bắc Sơn) nhớ lại: Vinh dự được tham gia vào đoàn người biểu tình ngày đó, tôi không thể nào quên khí thế hừng hực, sôi sục của bà con nhân dân. Sau khi tổng khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng lâm thời ở Đông Đô - Bắc Sơn được thành lập và thực hiện ngay những công việc cấp bách như cứu trợ các gia đình bị đói, khắc phục hậu quả trận lụt lịch sử do vỡ đê Đìa, bảo đảm an ninh trật tự, giúp nhân dân dựng lại nhà cửa, vận động nhân dân trồng khoai, cấy lúa để chống đói năm sau.
Mùa thu năm 1947, Chi bộ Đảng liên xã Đông Đô - Bắc Sơn được thành lập với tên gọi Chi bộ Đông Bắc. Đến cuối năm 1948, Chi bộ Bắc Sơn được thành lập trên cơ sở chia tách Chi bộ Đông Bắc. Kể từ đây, Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Sơn là địa bàn bị địch lập tề và bị càn quét nhiều lần. Nhiều thôn làng bị đốt phá, nhiều gia đình bị giết hại bởi bàn tay đẫm máu của kẻ thù nhưng Bắc Sơn đã vận dụng sáng tạo đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc của Đảng, lãnh đạo nhân dân bám ruộng, bám làng, kiên cường chiến đấu.
Trải qua các cuộc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn luôn đoàn kết, thống nhất, tích cực lao động sản xuất và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Bắc Sơn đã đóng góp hơn 30.000 tấn thóc cho tiền tuyến và 800 thanh niên Bắc Sơn lên đường tòng quân. Kết thúc chiến tranh, 124 người con ưu tú của quê hương Bắc Sơn đã anh dũng hy sinh, 15 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 76 thương binh, bệnh binh và hàng trăm đối tượng hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương các loại... Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, một người con quê hương Bắc Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Sức bật trên chặng đường đổi mới
Để có được sự “thay da đổi thịt” như ngày hôm nay, mảnh đất, con người Bắc Sơn đã trải qua không ít thăng trầm. Vốn là địa phương thuần nông, xuất phát điểm thấp nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Sơn luôn nỗ lực vượt khó, tận dụng mọi nguồn lực, nhất là phát huy nội lực để xây dựng quê hương, chăm lo đời sống cho nhân dân. Đồng chí Trần Xuân Đôn, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn chia sẻ: Giai đoạn 2011 - 2018, Bắc Sơn huy động kinh phí gần 57 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trên 16 tỷ đồng, ngân sách xã trên 20 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 20 tỷ đồng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã đóng góp trên 7.000 ngày công xây dựng các công trình nông thôn mới. Cùng với xây dựng hạ tầng giao thông, các lĩnh vực khác cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia, 5/5 thôn có nhà văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều đến năm 2020 còn 2,45%. 100% hộ dân được dùng nước sạch… Dù về đích nông thôn mới muộn hơn so với nhiều địa phương nhưng đó lại là điều kiện thuận lợi để Bắc Sơn có bước đi chắc chắn trong quy hoạch hạ tầng nông thôn một cách đồng bộ, hiện đại hơn, làm nền tảng để địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ vậy, bức tranh nông thôn Bắc Sơn hôm nay đã có thêm những gam màu tươi sáng, văn minh, hiện đại hơn.
Ông Lê Tiến Dụng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bắc Sơn Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực trong nhân dân, chú trọng phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đảng ủy có nghị quyết chuyên đề, tập trung lãnh đạo, chọn bước đi và giải pháp phù hợp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó giữ vững và mở rộng các ngành nghề hiện có, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ông Nguyễn Thế Nùng, 70 năm tuổi đảng, thôn Minh Đức, xã Bắc Sơn Nhờ có Đảng chỉ lối soi đường, sự nỗ lực vươn lên của chính những người dân nơi đây nên nhân dân Bắc Sơn hôm nay không còn đói khổ nữa, nhà nào cũng có cơm no, áo ấm, con cái được học hành. Diện mạo làng quê khang trang, sạch đẹp. Nhớ về những ngày gian khó đã qua để tự hào về những thành tựu đã đạt được hôm nay, tôi mong muốn thế hệ trẻ Bắc Sơn tiếp bước truyền thống cha anh đi trước, xây dựng quê hương vững bước trên con đường đổi mới.
Ông Nguyễn Chương Đương, thôn Tân Dân, xã Bắc Sơn Đình Vinh Thọ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014. Nơi đây vốn là cơ sở cách mạng, được Việt Minh chọn là trạm giao liên liên lạc giữa vùng Quỳnh Côi với vùng Duyên Hà, Tiên Hưng, đồng thời cũng là nơi tập hợp quần chúng tham gia giành chính quyền năm 1945. Đây là một trong những địa chỉ đỏ của xã Bắc Sơn để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. |