Thái Bình với cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng (791-803)
Truyền thuyết và tư liệu lịch sử ở Thái Bình khẳng định Bố Cái đại vương Phùng Hưng đã lập đồn binh, lấy vợ người Thái Bình. Ông không chỉ làm chủ Tống Bình mà làm chủ cả Giao Châu, làm chủ cả An Nam khi ấy.
Phùng Hưng quê làng Đường Lâm, huyện Ba Vì, xưa thuộc Sơn Tây, nay thuộc Thành phố Hà Nội, là lãnh tụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Đường (Trung Quốc), làm chủ Tống Bình (Hà Nội) trong khoảng thời gian từ năm 791 - 803. Xưa nay khi nói về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, sử sách chỉ ghi về việc ông tập hợp quân nghĩa trong vùng đánh chiếm rồi làm chủ Tống Bình, không nói đến ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa ấy với toàn cõi Giao Châu. Truyền thuyết và tư liệu lịch sử ở Thái Bình khẳng định Bố Cái đại vương Phùng Hưng đã lập đồn binh, lấy vợ người Thái Bình. Ông không chỉ làm chủ Tống Bình mà làm chủ cả Giao Châu, làm chủ cả An Nam khi ấy.
Thời nước ta thuộc nhà Đường, dân ta phải đóng góp thuế khóa, phu phen tạp dịch nặng nề. Năm 791, Phùng Hưng dấy quân từ Đường Lâm (Sơn Tây) đánh thành Tống Bình, Đô úy Cao Chính Bình sợ, phát ốm mà chết. Phùng Hưng và Phùng Hải vào thành tự quản lý các châu huyện. Bấy giờ người Chà Và, Côn Lôn vẫn vào cướp phá ven vùng Chu Diên, đích thân Phùng Hưng đã về đánh giặc, xây đồn ở làng Roi (Phú Chử, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) để giữ vùng hạ lưu, trấn giữ Tống Bình, rồi cử Phùng Lã Tu ở lại giữ đồn. Theo khảo tả của các cụ cao niên, thành đồn có hình vuông mỗi chiều rộng khoảng 200m, đế rộng độ 4m, cao độ 3m, khu đất thành đồn rộng đến trên 10 mẫu Bắc Bộ. Các triều sau đều coi là đất cấm, đến trước năm 1945 thành đồn vẫn còn cao độ 1,2 - 1,5m, dấu tích ấy còn mãi đến thập kỷ 60, thế kỷ XX mới bị san thành ruộng.
Thành đồn của Phùng Hưng được xây dựng gần cửa Tuần Vường (cửa Vàng) nơi ngã ba Đại Hoàng giang (sông Hồng) mở chi lưu Tiểu Hoàng giang (sông Trà Lý). Đây là cửa ngõ quan trọng để vào Long Biên, Tống Bình, Đại La ngày ấy và sau này là Thăng Long. Nơi đây sóng cao ngàn tầm, dân gian đã ví:
“Một trăm cửa bể phải nể cửa Vàng (Vường)”.
Phùng Hưng mất, con là Phùng An không giữ được nghiệp của cha, bị Đô hộ Triệu Xương vây hãm phải đầu hàng. Phùng Lã Tu cố giữ cửa Vàng và hy sinh.
Tư liệu Hán Nôm hiện lưu giữ ở làng Lộc Điền, làng Phú Chử (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) viết: “Khi Phùng Hưng sinh ra là một người mặt vuông, tai to, thân đỏ như son, bụng có vân mây, lại có chữ “Bố Cái đại vương thiên thần, tế thế an dân”. Trong lúc ngài sinh, tự nhiên thấy mây vàng từ trên trời bay xuống, hoàng quang sáng chói cả sản phòng. Hôm ấy là ngày mùng 10 tháng Giêng năm Bính Ngọ. Một trăm ngày sau khi sinh, ngài đã nói năng rõ ràng. Bá Công (cha ông) liền đặt tên cho ngài là Hưng. Ngài chưa học mà đã biết chữ. Năm 16 tuổi, ngài cao lớn, khỏe mạnh, một tay xách nổi trăm cân, từng nắm sừng đẩy được hai con trâu mộng đang húc nhau, dùng búa sắt giết hổ; lại mưu trí, bản tính hào hiệp, quảng đại, thường giúp đỡ người nghèo hèn yếu. Khi ấy nước ta bị người Tầu cai trị, chúng làm mưa, làm gió, hà hiếp bóc lột nhân dân… Ngài đã hô hào nhân dân đứng lên khởi nghĩa, người theo về có đến hàng vạn, quân tiến như chẻ tre, phá hủy các trận thế của giặc, giải phóng thành Long Biên, ngài lên làm vua, xưng là Bố Cái đại vương.
Một hôm ngài đi đến phủ Kiến Xương, huyện Thư Trì, làng Lộc Điền, nhân dân mang trâu bò, gà, lợn làm lễ đón. Ngài bèn cho quân dừng lại ba bốn ngày, vào thăm hỏi dân chúng. Thôn Lộc Điền lúc ấy có một nhà khá giả, họ Nguyễn, tên Thành, vợ họ Lê, thường gọi Hoan Nương, nhà họ Nguyễn có hai người con gái là Hồng Loan Nương và Nhị Nương. Lúc ngài Hưng gặp hai nàng, tưởng như lạc vào cõi tiên nga. Ngài hỏi thăm dân chúng, sau vào nhà họ Nguyễn xin hỏi làm vợ. Ngài lập bà chị làm Hoàng hậu, người em làm Phi. Ngài lại cho quân sĩ cùng nhân dân xây một hành cung, lưng quay về phía Bắc, mặt quay về phía Nam, để hai bà ở đó rồi ngài đem quân về triều...”.
Trong thời gian làm vua, Phùng Hưng đã ban phát ân uy cho vùng Thư Trì, Chu Diên, sau ngày vương mất, dân các làng Phú Chử, Lộc Điền thụ ân lớn, đều lập đền thờ ông và thờ cả Phùng Lã Tu (xưa làng Lộc Điền và làng Phú Chử có 3 đình, 3 miếu, nay còn 2 đình, 3 miếu; làng An Để, xã Hiệp Hòa có miếu Hoa Quán thờ ông).
Về Hoàng hậu Hồng Loan Nương và Cung phi Nhị Nương được thờ ở đình, miếu làng Lộc Điền, các triều đều có sắc phong thần. Hiện nay làng Lộc Điền còn giữ được 13 đạo sắc của các triều Lê, Nguyễn ghi nhận: “Đại vương và Thái hậu hai cung” là người đức hạnh, đẹp đẽ, cẩn thận, có khí tiết là bậc mẫu nghi sáng suốt thuần khiết, thường hiển hiện linh thiêng bảo vệ người đời, bà là bậc uy nghi, đẹp đẽ, đoan chính hiền lương, khoan hòa giúp đỡ dân... Thái hậu hai cung là sự hợp lại của hai khí âm dương, nghìn thu sáng láng, lưu lại lâu dài, tiếng thơm để lại nghi ngút khói hương, công lớn như trời cao biển rộng”.
Đất đai Thái Bình do phù sa bồi lắng, rất màu mỡ, gần hai mươi thế kỷ từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ XIX, Thái Bình luôn là miền hội cư của nhiều luồng dân cư. Thái Bình lại là vùng đất bị giới hạn bởi ba mặt sông, một mặt biển, trong đồng thì sông ngòi chằng chịt. Vị trí ấy xưa có tầm chiến lược rất quan trọng, nhiều thủ lĩnh khởi nghĩa chống xâm lược, chống phong kiến đã lấy Thái Bình làm nơi tụ binh, dấy nghĩa. Các sông lớn ở Thái Bình cũng là cửa ngõ từ biển vào kinh đô và từ kinh đô đi ra biển. Vị trí chiến lược ấy không chỉ thuận tiện cho người Việt mà kẻ thù xâm lược cũng từ ngoài biển cũng tiến quân theo đường này vào nước ta.
Thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40 đầu Công nguyên, Thái Bình có hơn 30 thủ lĩnh đã lãnh đạo nhân dân hưởng ứng, nay đền thờ các tướng súy ấy đều nằm ven các sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý và một số sông nội đồng. Thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã lấy vùng sông nước, đầm lầy Thái Bình để tụ nghĩa chống lại nhà Lương, Thái Bình hiện còn trên 60 đền thờ Lý Bí, Hoàng hậu và các tướng súy của vua. Sử sách xưa đã từng ghi vùng đất Thái Bình vốn “dân đông, thóc nhiều” (dân đông để bổ sung vào quân lính, thóc nhiều để nuôi quân), lại có vị trí chiến lược quan trọng nên Thái Bình luôn là “đất tụ nghĩa, đất dấy nghĩa” chống xâm lược, chống áp bức. Phùng Hưng không xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở Thái Bình nhưng để giữ Tống Bình, giữ Giao Châu, Phùng Hưng đã dựng thành đồn, đóng quân ở Thái Bình, lấy vợ người Thái Bình. Những tư liệu trên khẳng định phạm vi rộng của cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo. Sau ngày ông mất, dân làng Phú Chử, Lộc Điền lập đền thờ, tôn ông là thành hoàng. Đền thờ ông xưa được dựng ở ngoài đê, năm Thành Thái thứ 10 (1897) dân làng Phú Chử đã xây dựng đình vào phía trong đê, đình ấy nay vẫn còn, vẫn được tu bổ, tôn tạo, giữ gìn sạch đẹp.
Hàng năm vào ngày 10/11, nhân dân làng Phú Chử tổ chức lễ hội để tưởng nhớ về Bố Cái đại vương Phùng Hưng và tướng Phùng Lã Tu. Những năm được mùa “Phong đăng hòa cốc” lễ hội thường diễn ra trong ba ngày (10 - 12). Phần lễ có rước kiệu quanh làng, sau về đình tế lễ, lễ vật gồm có xôi, gà, thủ lợn, hoa quả... Phần hội có hát ca trù, diễn chèo, thi vật, đi cầu kiều, bắt vịt... Ngày hội dân làng tham gia rất đông. Ngày nay, dân thường tế lễ dâng hương trong một ngày.