Thái Bình: Ý chí, khát vọng phát triển
Cầu vượt sông Trà Lý.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - chuyên đề năm 2021 là dấu mốc quan trọng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Điểm nhấn mới trong chuyên đề đó là: Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hòa chung vào tiến trình phát triển của đất nước, Thái Bình đang phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, thể hiện quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vượt trội để thực hiện những nhiệm vụ lớn lao, nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách… là động lực để mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện khát vọng, mà cụ thể giai đoạn này khát vọng của dân tộc ta đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.
Thái Bình đã quán triệt, lan tỏa và nhận thức rõ: Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khi đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo chặng đường dài với một lộ trình cụ thể. Tầm nhìn này chỉ ra định hướng đồng thời cũng vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045, nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, của toàn dân. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một nước có trình độ phát triển cao, nhân dân được “hạnh phúc”.
Cùng chung khát vọng của đất nước, những năm gần đây Thái Bình đã có những bước đi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội: cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX và quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thái Bình đã có những quyết đáp tích cực nhằm tạo đà đột phá mở ra hướng phát triển toàn diện và bền vững. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tranh thủ thời cơ thuận lợi, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều năm liền; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu các ngành và nội bộ ngành. Xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ và đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liền.
Theo đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Nếu vẫn tiếp tục duy trì tiến trình phát triển như hiện nay, kinh tế của tỉnh có thể tiếp tục có bước phát triển mới, tuy nhiên quy mô nền kinh tế nhỏ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chưa cao. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với khu vực và cả nước. Thái Bình cơ bản vẫn là một tỉnh nông nghiệp nhưng nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa tạo dựng được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và giá trị kinh tế cao; còn hiện tượng người dân bỏ ruộng canh tác. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nặng về gia công và sản phẩm thông thường, chậm đổi mới công nghệ, thiết bị; chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng và công nghệ cao... Để theo kịp sự phát triển của các tỉnh, thành phố lân cận và của cả khu vực đồng bằng sông Hồng, đòi hỏi tỉnh cần xác định hướng đi mới trên cơ sở các mục tiêu, giải pháp đột phá trong khát vọng phát triển.
Mục tiêu tổng quát giai đoạn tới (trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX) là: “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”. Mục tiêu đó chính là khát vọng to lớn của Đảng bộ, nhân dân Thái Bình trong tương lai phát triển.
Sản xuất gạch ốp lát ở khu công nghiệp Tiền Hải.
Nhiều giải pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu tổng quát với các bước đi chắc chắn, kiên trì cho từng mục tiêu cụ thể. Trong đó, sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với yêu cầu của thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật, khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đẩy nhanh chương trình phát triển đô thị, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch sinh thái bền vững. Tập trung phát triển nông nghiệp theo các hướng khai thác lợi thế của từng địa phương, khai thác tiềm năng sinh học, nguồn lợi tự nhiên để tạo ra sản phẩm, gia tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường theo hướng dinh dưỡng, dược liệu, nhân văn. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh sẽ xây dựng các vùng chuyên môn hóa theo cây, con mũi nhọn và đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với từng loại hình, trong đó kết hợp triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các ngành nông, lâm, thủy sản theo hướng kết hợp chuỗi giá trị nông sản với du lịch và các ngành phi nông nghiệp khác, trước hết là công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo phạm vi rộng và theo từng khâu, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tích tụ và tập trung đất đai, hình thành quỹ đất sạch để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, Thái Bình tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, khôi phục ngành nghề thủ công truyền thống, hình thành các ngành nghề mới, triển khai chương trình xây dựng nông thôn kiểu mẫu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, định hướng phát triển công nghiệp của Thái Bình là tính đến chiều sâu, chất lượng và sử dụng công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường; chú trọng khai thác các lợi thế của tỉnh, trong đó chú trọng lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo lập một nền tảng vững chắc dựa trên sự liên kết chuỗi giữa các ngành trong tỉnh và mô hình doanh nghiệp lớn đầu tàu có tính lan tỏa. Tỉnh tiếp tục quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, chú trọng tạo lập môi trường thể chế công khai, minh bạch và thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kêu gọi một số nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước nhằm hình thành mô hình doanh nghiệp lớn đầu tàu, có tính lan tỏa, làm bệ phóng cho sự phát triển bền vững, đồng thời định hướng và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân, xây dựng một số mạng lưới doanh nghiệp liên kết đa ngành theo chuỗi cung ứng đầu vào - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Về phát triển thương mại, dịch vụ, tập trung phát triển trên cơ sở hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất, đời sống nhân dân, bảo đảm sự lưu thông hàng hóa thuận lợi nội tỉnh và với bên ngoài. Xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với vùng và cả nước.
Khu kinh tế Thái Bình là 1 trong 17 khu kinh tế quốc gia; có quy mô trên 30.500ha, nằm trên địa bàn 30 xã và 1 thị trấn ven biển thuộc hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; có lợi thế rất lớn bởi nằm sát tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã và đang được đầu tư xây dựng, giúp kết nối thuận lợi và rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến cảng biển nước sâu Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi - Hải Phòng và sân bay quốc tế Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh. Vì vậy, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội, trong đó trước hết là hệ thống giao thông kết nối nhằm mở ra cơ hội, tạo thế và lực mới trong phát triển. Ngoài ra, Khu kinh tế Thái Bình còn có tiềm năng, lợi thế về nguồn năng lượng khí mỏ tự nhiên, điện, than với trữ lượng lớn, có thể khai thác, sử dụng lâu dài cùng quỹ đất sạch và các cồn cát, rừng ngập mặn ven biển, rất thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng đô thị hướng biển, liên kết với các địa bàn trọng điểm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Việc thành lập Khu kinh tế là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình từ nhiều nhiệm kỳ qua, vì vậy mục tiêu là tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Chú trọng thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khu kinh tế Thái Bình phải có sức thu hút lớn đối với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước. Vì vậy, cần tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế và hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, bảo đảm hạ tầng đi trước để tạo sức hấp dẫn cho việc kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên, chọn lọc các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường và phục vụ xuất khẩu.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã chỉ rõ: Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội... Đây là một trong ba giải pháp đột phá để phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để đáp ứng yêu cầu của Đảng giai đoạn mới, tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học và đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, nhất là tại Khu kinh tế Thái Bình. Giải pháp của tỉnh đó là tiếp tục chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm mạnh tỷ trọng lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản để chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả lao động trong các lĩnh vực. Tập trung gia tăng về số lượng, chất lượng và tỷ lệ lao động được đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học và đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất tại Khu kinh tế Thái Bình và các lĩnh vực ưu tiên phát triển như: khai thác khí thiên nhiên, sản xuất và phân phối điện; đóng mới, sửa chữa tàu thủy; cơ khí chế tạo sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chế biến nông sản thực phẩm...
Một giải pháp bền vững nữa là đổi mới mạnh mẽ hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình. Hướng đến chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nuôi dưỡng và nhân lên tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, sống tốt, sống có trách nhiệm và làm việc hiệu quả, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Nâng cao khả năng tự vệ của mỗi người dân trước sự xâm nhập của các văn hóa phẩm độc hại, mặt trái của mạng xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để đạt được ý chí, khát vọng và những giải pháp đột phá đó, cần sự thống nhất về tư tưởng, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Điều này đòi hỏi việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên giáo các cấp trong tham mưu với cấp ủy và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, tạo sự lan tỏa sâu rộng và đồng thuận trong toàn xã hội, chắc chắn khát vọng xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng sẽ trở thành hiện thực như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lấn thứ XX đã đề ra.