Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh: Từ chủ trương đến hiện thực cuộc sống
Năm 2020, khách quan nhìn nhận là một năm với vô vàn khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung toàn đất nước cũng như trên thế giới, trong cả những điều kiện, tình hình thực tế riêng ở địa phương, song với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thái Bình đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo và quản lý; phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản thể chế các Nghị quyết của Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa XVI); ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025; Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ Xuân 2020; Chỉ thị về tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm; Chỉ thị về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo sản xuất Vụ Mùa, Vụ Đông năm 2020… Ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Nghị quyết số 16/2019/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 31/7/2020 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021; Kế hoạch sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Thái Bình năm 2020…
Đặc biệt, trước bối cảnh xuất hiện đại dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai ngay những giải pháp quyết liệt để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động đến phát triển kinh tế. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19; chỉ đạo phòng, chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra; cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh không để lây lan trong cộng đồng. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động ban hành ngay các văn bản để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm an sinh xã hội như: Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 23/4/2020; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 28/4/2020, Công văn số 2925/UBND-KTKH ngày 19/6/2020, Công văn số 4673/UBND-KT ngày 30/9/2020...
Trong quá trình triển khai thực hiện, căn cứ các Nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ năm 2020 của Chính phủ và tình hình thực hiện ở các sở, ngành, địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản điều hành để chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với những nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh cơ bản ổn định và đạt kết quả tăng trưởng khá: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 53.523 tỷ đồng, tăng 3,23% so với năm 2019. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 154.251 tỷ đồng, tăng 1,8%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 27.703 tỷ đồng, tăng 3,3%; Khu vực Công nghiệp và Xây dựng ước đạt 97.446 tỷ đồng, tăng 1,2%; Khu vực Thương mại dịch vụ ước đạt 29.102 tỷ đồng, tăng 2,8%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các khu vực Nông lâm nghiệp và thuỷ sản - Công nghiệp và Xây dựng - Dịch vụ tương ứng đạt 26,7%-40,9%-32,4%.
Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp những khó khăn do diễn biến của thời tiết bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phức tạp, đặc biệt nguy cơ bùng phát trở lại của dịch tả lợn châu Phi, song sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng tốt. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 27.703 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2019, trong đó: trồng trọt tăng 1,6%, chăn nuôi tăng 3,6%, thuỷ sản tăng 6,5%. Năng suất lúa đạt 131,7 tạ/ha, tương đương tổng sản lượng trên 1 triệu tấn. Chăn nuôi từng bước phục hồi, từ đầu năm dịch tả lợn Châu Phi đã phát sinh 19 ổ dịch tại 19 xã của 6/8 huyện, thành phố, song đến nay cơ bản được khống chế. Sản xuất thuỷ sản tăng trưởng tốt, ứng dụng công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, huy động tối đa sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và người dân. Đến nay, 100% số xã đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 07 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, thành phố Thái Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; hoàn thành việc thẩm định cho 04 xã đã hoàn thành 11/11 tiêu chí.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều ngành sản xuất (như đồ uống, dệt may, giày da,...) sụt giảm do các doanh nghiệp phải dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 68.873 tỷ đồng, giảm 1,7% so với năm 2019. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp và kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Công tác triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, xây dựng hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp được triển khai tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 06 khu công nghiệp, trong đó có 03 khu đã được đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, 03 khu còn lại đang triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 44/49 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó 41 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết. Hoạt động của doanh nghiệp trong Khu kinh tế và các khu công nghiệp cơ bản ổn định; toàn tỉnh hiện có 208/293 dự án tại Khu kinh tế và các khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; Thái Bình là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 94%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (giá hiện hành) ước đạt 52.511 tỷ đồng, tăng 8,1%; giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 28.574 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2019. Do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các ngành dịch vụ đều bị ảnh hưởng, đặc biệt xuất nhập khẩu, song đến nay các hoạt động thương mại, dịch vụ đã từng bước phục hồi. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2020 ước đạt 29.102 tỷ đồng, tăng 2,8%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.686 tỷ đồng, tăng 2,4%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.443 triệu USD, giảm 16,1%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.276 triệu USD, giảm 19,8%.
Hoạt động tín dụng ngân hàng cơ bản ổn định. Dự kiến đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 86.770 tỷ đồng, tăng 18% so với 31/12/2019; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 64.445 tỷ đồng, tăng 9% so với 31/12/2019; tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 0,95% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Công tác quản lý tài chính và thu chi ngân sách được quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm; điều hành ngân sách linh hoạt, hiệu quả, tiết kiệm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nên một số khoản thu đạt thấp so với dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước thực hiện trên 18.370,1 tỷ đồng, đạt 114% dự toán, bằng 96,6% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 16.096,8 tỷ đồng, đạt 120% dự toán, bằng 98,9% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 16.096,8 tỷ đồng, bằng 120% dự toán.
Công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được chỉ đạo triển khai tích cực. Toàn tỉnh có 83 dự án được phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc được cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký mới trên 2.400 tỷ đồng. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 08 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 59 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 668 doanh nghiệp, 82 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký mới trên 5.700 tỷ đồng, giảm 20% về số lượng doanh nghiệp và giảm 29,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 263 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, 66 doanh nghiệp tự giải thể. Toàn tỉnh có 7.254 doanh nghiệp, 884 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 87.720 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch năm 2021, làm động lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung cao độ thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế; chỉ đạo các đơn vị khẩn trương, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá phát triển và 5 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đã đề ra; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách trong các ngành, lĩnh vực.
Về phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất. Tập trung xây dựng Khu kinh tế trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, mang tính động lực liên vùng, có tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh, như: Tuyến đường bộ ven biển, đường nối Khu kinh tế Thái Bình với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường từ Thành phố đi Cầu Nghìn, Khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco và một số tuyến đường giao thông liên vùng, liên huyện trọng điểm, tạo động lực thu hút đầu tư vào Khu kinh tế nói riêng và vào tỉnh nói chung.
Đồng thời, chú trọng phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá - xã hội: Thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; ứng dụng các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ năng lượng mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường ... Đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin và truyền thông, phát thanh, truyền hình. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống, cách mạng. Triển khai xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Bình, kết hợp nguồn ngân sách nhà nước với thu hút tham gia của doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành; tăng cường, củng cố tiềm lực, giữ vững quốc phòng, an ninh trên phạm vi toàn tỉnh.
Hà Trần