Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao giá trị mỹ thuật công trình Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”
Với vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, từ năm 2014, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cử cán bộ lãnh đạo Trung ương Hội tham gia Hội đồng nghệ thuật xây dựng Tượng đài "Bác Hồ với nông dân Việt Nam” thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Quảng trường Thái Bình theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Công trình hoàn thành, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thống nhất cao với nhận xét, đánh giá nghiệm thu phần mỹ thuật công trình Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” của Hội đồng nghệ thuật do ông Vương Duy Biên, Nghệ sỹ nhân dân, nhà điêu khắc, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch Hội đồng.
Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình. Nhóm tượng đài gồm 13 nhân vật được làm từ chất liệu đá xanh, Bác Hồ là nhân vật trung tâm, các nhân vật còn lại đại diện cho các thế hệ người cao tuổi, trung niên, thanh niên, trẻ em nông thôn Việt Nam đứng xung quanh Bác, đang hướng về Bác, thể hiện sự kính yêu vô bờ bến. Nhóm các mảng phù điêu thể hiện hình ảnh phong cảnh làng quê Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của người nông dân Việt Nam.
Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã về thăm công trình Tượng đài "Bác Hồ với nông dân Việt Nam” tại Quảng trường tỉnh Thái Bình và khẳng định, nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa của công trình này: Sinh thời, Bác Hồ luôn coi trọng nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Người đã từng nói: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Thái Bỉnh là tỉnh vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, những lần về thăm Bác đều biểu dương thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình trong các cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt, giặc lụt, giặc ngoại xâm và là địa phương đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha. Thái Bình còn là vùng quê có phong trào cách mạng của nông dân phát triển sớm nhất trong cả nước. Tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 và cuộc khởi nghĩa gắn với “tiếng trống năm 1930” của nông dân Tiền Hải vào tháng 10/1930. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Thái Bình còn là tỉnh đi đầu trong phong trào "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Do đó, công trình Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” là công trình văn hóa có giá trị đặc biệt và ý nghĩa chính trị to lớn, là điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong và ngoài tỉnh để tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là công trình có giá trị lịch sử, lưu giữ trường tồn những tình cảm của Bác dành cho nông dân Thái Bình nói riêng, nông dân cả nước nói chung và thể hiện lòng kính yêu sâu sắc của nông dân cả nước đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Hồng Nguyễn