A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch Thái Bình: Điểm đến hấp dẫn

Không có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Tràng An hay Phong Nha Kẻ Bàng… nhưng có 56km bờ biển với một số bãi biển còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ như Đồng Châu, cồn Vành, cồn Đen cùng hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa phong phú như chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng… đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Không có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Tràng An hay Phong Nha Kẻ Bàng… nhưng có 56km bờ biển với một số bãi biển còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ như Đồng Châu, cồn Vành, cồn Đen cùng hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa phong phú như chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng… đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Cánh đồng hoa cải ở xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư.

Nét đẹp văn hóa trên vùng đất cổ

Lễ hội đền Trần Thái Bình (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) hàng năm là dịp để du khách vãn cảnh, thăm, tưởng nhớ và tìm hiểu rõ hơn về công lao, sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần.

Lâu nay du khách đều biết đến quê lúa Thái Bình - nơi có các lễ hội truyền thống và những công trình văn hóa đặc sắc. Điểm hẹn du khách không nên bỏ qua khi tới đây là quần thể di tích khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Vùng đất Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) ngay từ đầu thế kỷ thứ XIII đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục... đều ghi rõ: “Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá. Thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha đến vùng đất Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) định cư, trồng lúa nước, phát triển nông tang. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp, nơi khởi nguồn trực tiếp của triều đại nhà Trần - nhà nước phong kiến thịnh trị, hùng mạnh bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Lễ hội đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Các vị vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà hôm nay không chỉ là nơi giữ gìn long mạch giúp vương triều Trần hưng vượng mà còn là hậu cứ hiểm yếu luyện binh khiển tướng, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí, phụ trợ đắc lực cho công cuộc nuôi quân đánh giặc. Cả 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, mảnh đất Long Hưng - Hưng Hà đều là nơi nhà Trần chọn làm căn cứ quan trọng để tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo. Sau 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, các vua Trần và hoàng tộc đều ngự giá về vùng đất cố hương, tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần.

Thi pháo đất tại lễ hội đền Trần Thái Bình.

Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình - còn gọi là Thái Đường Lăng với một tổng thể kiến trúc rộng lớn là nơi thờ tự các vua Trần, thờ Đức Thánh Trần, các hoàng hậu, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 32ha, hướng kiến trúc quay về phương Nam. Phía trước có 3 gò ấn kiếm, đấy là Chiêu lăng, Dụ lăng và Đức lăng, phía sau tựa vào thôn Tam Đường. Năm 1999, đền thờ các vị vua triều Trần được xây dựng uy nghi, bề thế. Cổng đền kiểu tam quan cuốn vòm, mái chảy chồng diêm hai tầng, đao song loan cách điệu. Qua cổng đền, sân đền là tòa bái đường. Qua tòa bái đường là sân chầu, nơi diễn ra các hoạt động dâng hương, tế lễ. Tòa đệ nhị là công trình kết nối tòa bái đường và sân chầu. Kết nối tòa bái đường, sân chầu, tòa đệ nhị là tòa hậu cung rộng khoảng 90m2. Đây là nơi thờ linh vị cụ Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Thánh tượng Trần Thừa, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung - những người có công lao khai sinh ra vương triều Trần.

Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ... Lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng hàng năm.

Chùa Keo - kiến trúc độc đáo

Nếu ai đã từng biết, từng nghe về danh tiếng của chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) chắc hẳn đều có ước vọng được một lần hành hương đến thăm ngôi chùa đại cổ tự này và trong các kỳ lễ hội, nơi đây luôn tấp nập du khách tới vãn cảnh chùa.

 Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc hàng trăm năm tuổi.

Du thuyền hát giao duyên tại chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư).

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang Tự. Chùa có hai cụm kiến trúc độc đáo là chùa và đền, trong đó chùa là nơi thờ Phật và đền thờ Đức Dương Không Lộ - người có nhiều công lao cho đất nước, nhân dân. Trải qua gần 400 năm tồn tại, tu bổ, tôn tạo, chùa Keo hiện còn 17 công trình, 128 gian, có gác chuông 3 tầng. Với kiến trúc độc đáo, chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất hiện nay. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một năm tại chùa Keo diễn ra hai kỳ lễ hội là hội xuân và hội thu. Ngoài phần lễ với các nghi thức: mở cửa đền thánh, dâng hương, tế lễ, du khách thập phương còn được tham dự các trò chơi dân gian: thi chạy, kéo lửa thổi cơm, bắt vịt và xem du thuyền hát hội.

Khám phá khu du lịch sinh thái cồn Vành

Cồn Vành với địa hình tương đối bằng phẳng, nằm ở phía Đông xã Nam Phú (Tiền Hải), phía Bắc giáp cồn Thủ, phía Nam giáp cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng), phía Đông giáp biển Đông.

Cồn Vành thuộc khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (đã được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2004), nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn ven biển trải dài từ Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn khá phong phú với nhiều loài thực vật như sú, vẹt, bần, thông, trên 200 loài hải sản có giá trị và nhiều loài chim quý hiếm.

Bãi biển cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải).

Nhận thức rõ lợi thế và tiềm năng du lịch của cồn Vành, tỉnh Thái Bình đã quan tâm chỉ đạo nhằm khai thác, phát triển du lịch ở nơi đây, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và sự quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác khoa học, hợp lý của con người, trong một tương lai không xa, cồn Vành sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái có tầm cỡ, hấp dẫn, phát triển bền vững, hài hòa và hiệu quả.

Hòn ngọc xanh của đồng bằng sông Hồng

Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) thuộc vùng dự trữ sinh quyển thế giới nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35km dọc theo quốc lộ 39B về phía Tây. Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng thảm thực động vật đa dạng, phong phú, với địa hình tương đối bằng phẳng tạo nên bởi dải cồn cát mịn dài khoảng 3km, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 700m, chỗ hẹp nhất là 450m, cồn Đen được mệnh danh là hòn ngọc xanh của đồng bằng sông Hồng, điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Vườn hoa hướng dương ở khu du lịch sinh thái cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy).

Khu du lịch sinh thái cồn Đen.

Một tour du lịch cộng đồng tại Thái Bình do Công ty Du lịch Trang Long tổ chức.

Du lịch trải nghiệm - làng vườn Bách Thuận, huyện Vũ Thư.

Cánh đồng hoa cải đẹp như mơ

Mỗi năm cứ vào tháng 12 ở thôn Hội Khê, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, cánh đồng hoa cải lại nở rộ. Sắc vàng trải dài tới tận triền đê đã trở thành nơi thu hút rất nhiều du khách đến thưởng ngoạn...

Cánh đồng hoa cải trải dài như bất tận.

Nằm sát triền đê cạnh sông Hồng, cánh đồng hoa khiến cho du khách như đi lạc vào cõi mơ với sự yên ả của chốn quê thanh bình. Theo người dân nơi đây, xuất phát từ việc người dân trồng hoa cải để kiếm thêm thu nhập mà không ai bảo ai, cách đây mấy năm mọi người thi nhau trồng. Cánh đồng hoa cải này rộng tới 62ha. Du khách cứ nườm nượp kéo đến thưởng ngoạn, chụp ảnh. Bên cạnh đó còn có dịch vụ tết hoa cài đầu, ngắt hoa cải để làm phụ kiện chụp ảnh… Hoa cải được trồng rất đơn giản. Sau vụ cấy người dân lại gieo hạt, sau khoảng 2 tháng thì cây cải bắt đầu ra hoa, cứ như vậy loài hoa này có thể chơi được hàng tháng.

Người dân nơi đây đang trồng thêm cả cánh đồng hoa hướng dương, cánh đồng hoa tam giác mạch để phục vụ cho du khách.

Các điểm du lịch lễ hội như: chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng, đền Tiên La, làng vườn Bách Thuận, làng nghề thêu Minh Lãng, chạm bạc Đồng Xâm, cồn Vành, cồn Thủ, cồn Đen sẽ là những mắt xích quan trọng trong hệ thống các tour, tuyến du lịch của Thái Bình, đồng thời kết nối với các tour du lịch liên tỉnh và quốc tế.


Tác giả: Theo baothaibinh.com.vn
Nguồn:. Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 20 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 112
Năm 2024 : 56.971