Tiềm năng du lịch vùng đất cổ
Đến vùng đất cổ Hưng Hà, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của đền Trần, đền Tiên La và tận mắt chứng kiến các trò chơi dân gian được lưu truyền và tái hiện lại trong dịp lễ hội hay hòa mình vào không khí lao động hăng say của các làng nghề, say đắm bên những vườn cây trái ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động mà bất kỳ ai đã đến đây đều thích thú.
Đến vùng đất cổ Hưng Hà, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của đền Trần, đền Tiên La và tận mắt chứng kiến các trò chơi dân gian được lưu truyền và tái hiện lại trong dịp lễ hội hay hòa mình vào không khí lao động hăng say của các làng nghề, say đắm bên những vườn cây trái ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động mà bất kỳ ai đã đến đây đều thích thú.
Đền Trần Thái Bình.
Những ngày đầu xuân, chúng tôi trở về vùng đất địa linh nhân kiệt, được chìm đắm trong kiến trúc của đền Trần (xã Tiến Đức). Đây là nơi yên nghỉ của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần. Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá, các trò chơi dân gian... Ông Phạm Văn Cường, Phó ban Quản lý khu di tích lịch sử đền Trần cho biết: Mọi năm, vào dịp cuối năm và đầu xuân mới, đền Trần đón hàng nghìn du khách khắp cả nước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời điểm này đền Trần được phép mở cửa nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm không quá 20 khách vào một đợt, đồng thời giảm thiểu các hoạt động phần lễ cũng như tạm dừng các hoạt động phần hội để tránh việc tập trung đông người. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc treo bảng thông báo, thành lập đội cơ động thường xuyên túc trực, nhắc nhở mọi người bắt buộc đeo khẩu trang y tế, sát khuẩn tay khi tham gia các hoạt động nghi lễ. Chúng tôi mong muốn dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để bà con trở lại cuộc sống bình thường, đền Trần lại được đón du khách thập phương.
Một trong những điểm nổi bật về du lịch tâm linh ở Hưng Hà là đền Tiên La (xã Đoan Hùng), thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Bà là nữ tướng lừng danh dưới thời Hai Bà Trưng, có công đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Đền Tiên La được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Hàng năm, vào ngày 10 - 20/3 âm lịch diễn ra lễ hội đền Tiên La thu hút đông đảo du khách thập phương về dự. Trong đó, chính hội diễn ra ngày 17/3 âm lịch, trùng ngày mất của Bát Nạn tướng quân. Ông Vũ Xuân Thắng, thành viên Ban Quản lý khu di tích lịch sử đền Tiên La cho biết: Đền Tiên La hiện đang được quy hoạch tổng thể 4 khu gồm: khu vực tâm linh, khu vực nhà khách, khu vực nghỉ ngơi và ăn uống, khu vực vui chơi lễ hội. Nếu hoàn thành theo đúng quy hoạch sẽ tạo cơ hội cho phát triển du lịch tâm linh tại đây. Hiện nay, để tạo điều kiện cho người dân đến tham quan, vãn cảnh, chúng tôi phân công các thành viên phụ trách từng phần việc cụ thể để bảo đảm an toàn trong mùa lễ hội, nhất là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Những năm qua, huyện Hưng Hà luôn chú trọng phát triển du lịch tâm linh. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tu bổ, tôn tạo 77 di tích; đầu tư xây dựng 26 tuyến đường huyết mạch với tổng mức đầu tư 736,97 tỷ đồng; tổ chức và quy hoạch xây dựng các điểm du lịch gắn với các di sản văn hóa, tạo thành sự liên kết giữa các điểm du lịch trong huyện. Hiện toàn huyện có 598 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 91 di tích cấp tỉnh, có 135 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 114 lễ hội truyền thống lưu giữ hàng chục trò chơi dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút lượng khách đến tham quan năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10 - 15%.
Hưng Hà còn là vùng quê trù phú với nhiều cây ăn trái đặc sản 4 mùa. Điển hình như xã Hồng An có vùng bãi rộng hàng trăm héc-ta, quanh năm phủ màu xanh của dâu, ngô, cà chua, rau màu và các vườn cây sai trĩu quả. Đây cũng chính là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch làng quê sinh thái ven sông. Đặc biệt, Hưng Hà còn có 53 làng nghề thủ công truyền thống như chiếu Hới, long nhãn Hồng An, rượu Đô Kỳ, hương Duyên Hải, bánh đa làng Me, bánh chưng phố Lẻ... Không chỉ đến để tham quan, du khách còn có cơ hội thưởng thức các sản phẩm của làng nghề mà ít nơi nào có được...
Để khai thác hiệu quả thế mạnh về du lịch, huyện Hưng Hà đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể. Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, hình thành các tuyến du lịch gắn với các di tích trọng điểm; kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch mới gồm: du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng... nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời, tăng cường quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khách sạn chất lượng cao... Bên cạnh đó, gắn du lịch Hưng Hà với du lịch của tỉnh, của vùng miền và cả nước; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các di tích... sớm đưa Hưng Hà trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.
Mùa xuân mới về tạo khí thế vui tươi, với những thế mạnh và tiềm năng sẵn có, chắc chắn ngành du lịch của huyện Hưng Hà sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Đền Tiên La.
Các trò chơi dân gian được lưu truyền và tái hiện trong các dịp lễ hội ở Hưng Hà. Ảnh tư liệu
Làng nghề dệt xã Thái Phương.