A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẩy hội chùa Keo

Cứ tới tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân khắp nơi lại nô nức trẩy hội chùa Keo. Trong hai mùa lễ hội trong năm, hội mùa thu là hội chính với ý nghĩa tưởng nhớ, suy tôn Ðức Thiền sư Không Lộ. Ngoài lễ Phật, lễ thánh để cầu xin phước, đức, tài, lộc, du khách hành hương dự lễ hội chùa Keo còn được chiêm ngưỡng một kiến trúc độc đáo mà hiện nay rất ít công trình văn hóa cổ còn giữ được.

Cứ tới tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân khắp nơi lại nô nức trẩy hội chùa Keo. Trong hai mùa lễ hội trong năm, hội mùa thu là hội chính với ý nghĩa tưởng nhớ, suy tôn Ðức Thiền sư Không Lộ. Ngoài lễ Phật, lễ thánh để cầu xin phước, đức, tài, lộc, du khách hành hương dự lễ hội chùa Keo còn được chiêm ngưỡng một kiến trúc độc đáo mà hiện nay rất ít công trình văn hóa cổ còn giữ được.

Vẻ thơ mộng và cổ kính của chùa Keo.

Chùa Keo tọa lạc bên sông Hồng, thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Ðây là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Lễ hội chùa Keo với tục thờ Thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng.

Ðối với mỗi người dân Thái Bình, Ðức Thiền sư Không Lộ có tầm ảnh hưởng lớn. Lúc sinh thời, ngài từng làm nghề đánh cá trên sông Cái (sông Hồng), đến năm 29 tuổi mới đi tu. Tương truyền, ngài từng chữa bệnh cho vua triều Lý nên được phong làm Quốc sư. Sau đó vua Lý đổi tên chùa thành Thần Quang Tự. Ngày nay, chùa vẫn giữ tên Thần Quang Tự, nhưng dân gian quen gọi là chùa Keo.

Kiến trúc độc đáo

Theo sách “Văn hóa Việt Nam”, chùa Keo là 1 trong 10 kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam, là 1 trong 3 ngôi chùa đặc biệt. Ðiều thần diệu là kiến trúc chùa Keo khai thác triệt để phong cách truyền thống của người Việt, đó là “thượng gia hạ trì”. 3 hồ lớn: tiền cảnh, hồ đông, hồ tây trở thành bức gương trời khổng lồ soi bóng tam quan nội, tam quan ngoại, hành lang, gác chuông.

Tổng thể kiến trúc chùa bố trí theo kiểu “nội công - ngoại quốc” và chia làm 4 công trình chính: khu tam quan bám sát hai mặt hồ phía nam, qua sân lớn tới khu chùa Phật, tiếp qua một sân rộng là khu đền Thánh. Qua một sân nhỏ là gác chuông lớn làm kiểu chồng diêm cổ các, 3 tầng cao trên 11m. Nếu chỉ tính quy mô, cụm di tích lịch sử  văn hóa gồm 17 tòa, 128 gian đã khẳng định chùa Keo là một trong những ngôi chùa có quy mô lớn nhất toàn quốc.

Gác chuông chùa Keo là công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, cao 12,07m tính từ mặt nền, 3 tầng mái tạo dáng hài hòa. Mỗi tầng trên thu lại so với tầng dưới 0,4m. Tầng 1 có treo 1 khánh đá dài 1,87m, cao 1,2m. Gác chuông chùa Keo là sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu gỗ với những đường cong nét đao tạo nên sự khỏe về lực, đẹp về dáng. Chùa Keo là kiệt tác kiến trúc trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Náo nức trẩy hội

Chùa Keo một năm có hai hội lớn. Hội vui xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên đán và hội mùa thu diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 9 âm lịch hàng năm. Hai hội này mang tính chất nghi lễ và tín ngưỡng khác nhau.

Hội vui xuân ở chùa Keo thể hiện khá đầy đủ tính chất của lễ hội nông nghiệp, bởi vậy mà các cuộc thi tài mang đậm sắc thái văn hóa của cư dân vùng trồng lúa nước như thi nấu cơm, thi bắt vịt...

So với hội vui xuân thì hội mùa thu được tổ chức với quy mô lớn hơn cùng nhiều trò chơi dân gian hơn. Ðiều thu hút bất cứ du khách nào là lễ rước hoành tráng với hàng nghìn người tham gia. Hình thức rước, tế trong phần lễ là sự diễn xướng lịch sử cuộc đời của Thiền sư Không Lộ. Hội thu được mở đầu bằng màn trống hội náo nhiệt và các trò chơi dân gian truyền thống như hát du thuyền, kéo co, chọi gà,... diễn ra suốt cả ngày. Trong các ngày lễ hội, các nghi lễ truyền thống được tiến hành trang trọng sau đó mới đến các trò chơi dân gian.

Ngoài các nghi lễ với ý nghĩa tâm linh sâu sắc, các trò chơi dân gian diễn ra trong mỗi kỳ lễ hội hàng năm đều khơi gợi nên truyền thống văn hóa tốt đẹp và tinh thần thượng võ muôn đời.

Lễ hội chùa Keo đã đi vào lịch sử để phản ánh những nét đẹp trong sinh hoạt và đời sống tâm linh của người dân làng Keo từ đời này sang đời khác. Ðến lễ hội chùa Keo giúp cho lòng người thanh thản. Ði hội chùa Keo, mỗi người như được quá khứ hào hùng và đẹp đẽ của cha ông tiếp thêm sức mạnh để bước tới tương lai.


Tác giả: Theo baothaibinh.com.vn
Nguồn:. Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 79
Năm 2024 : 54.880