Triển khai công tác đảm bảo An toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022
Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022.
Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022.
Kế hoạch được ban hành nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về ATTP; huy động sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong việc đảm bảo ATTP phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022.
Yêu cầu đặt ra là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân năm 2022; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP, thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở vi phạm, những sản phẩm không đảm bảo ATTP. Đồng thời tăng cường truyền thông, tuyên truyền phổ biến đến người tiêu dùng các quy định của pháp luật về ATTP và các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.
Thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/3/2022 trên phạm vi toàn tỉnh.
Các hoạt động chính bao gồm:
Hoạt động truyền thông: Phổ biến Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân năm 2022.
Cụ thể, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Đài phát thanh các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý ATTP trong dịp Tết, tại nơi diễn ra lễ hội, việc quản lý thực phẩm theo đặc thù của địa phương. Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân năm 2022.
Nội dung tuyên truyền tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa Lễ hội.
Hoạt động kiểm tra: Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP và hướng dẫn thực hiện; thành lập các đoàn kiểm tra ATTP theo lĩnh vực phụ trách. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP trên địa bàn quản lý. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra và phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, của huyện, thành phố khi tiến hành kiểm tra trên địa bàn, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Các đoàn kiểm tra phải đủ thành phần, đủ thẩm quyền, chuẩn bị sẵn các văn bản pháp lý liên quan, kết hợp lấy mẫu xét nghiệm đánh giá chất lượng, ATTP theo quy định. Tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ban chỉ đạo cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, trong đó Sở Y tế chủ trì hướng dẫn hoạt động chuyên môn ATTP; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tiến hành các đợt kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền kiến thức, các văn bản pháp luật của Nhà nước về ATTP…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, kinh doanh gia súc gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy, hải sản, rau, củ, quả và sản phẩm nông sản thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật theo quy định. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại hàng hoá được sản xuất, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán…