Đào tạo nghề - lời giải cho bài toán lao động, việc làm
Thái Bình hiện có trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó chủ yếu là lao động nông thôn. Vì vậy, nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động rất lớn. Những năm qua, các đề án, chương trình đào tạo nghề được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Thái Bình hiện có trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó chủ yếu là lao động nông thôn. Vì vậy, nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động rất lớn. Những năm qua, các đề án, chương trình đào tạo nghề được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình thực hành sửa chữa ô tô.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 4 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 18 trung tâm công lập và tư thục, trong đó 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Theo ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, việc hội nhập đã mở thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, tác động mạnh đến phân hóa tiền lương, thu nhập theo khu vực việc làm và ngành nghề. Xu hướng những lao động có chuyên môn kỹ thuật cao sẽ có việc làm ổn định và thu nhập cao, lao động chưa qua đào tạo hoặc tay nghề thấp sẽ thiếu việc làm, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động, nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới (lĩnh vực kỹ thuật số, lập trình, bảo vệ dữ liệu...). Các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm cũng tăng lên. Do đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần phải phát triển để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có trên địa bàn.
Nhằm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở các văn bản của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án về công tác đào tạo nghề. Tháng 9/2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tiếp đó, tháng 3/2019, UBND tỉnh ban hành đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025”.
Ông Phạm Hồng Khang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình chia sẻ: Hiện nay tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang ngày càng phổ biến. Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề, trong khi đó các công ty, doanh nghiệp lại cần lao động lành nghề. Đây chính là yếu tố thu hút học sinh đăng ký vào các trường nghề tăng nhanh trong những năm qua. Từ năm 2014 đến năm 2019, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình đã tuyển sinh được trên 3.500 chỉ tiêu hệ trung cấp và cao đẳng; đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 1.000 lao động nông thôn; đào tạo nâng cao trình độ cho trên 500 cán bộ, giáo viên trong tỉnh. Hàng năm, qua khảo sát sinh viên tốt nghiệp ra trường có 98,76% sinh viên tìm được việc làm tại các đơn vị, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, trong đó 82,4% sinh viên tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, số người học nghề hàng năm tăng nhanh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 44,5% (năm 2016) lên 50% (năm 2018), đến năm 2019 đạt 52,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng qua các năm đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động mỗi năm. Tính trong 4 năm (2016 - 2019) và ước tính năm 2020 thông qua các giải pháp về việc làm, dự kiến toàn tỉnh tạo việc làm mới cho khoảng 166.540 lao động, bình quân đạt 33.310 lao động/năm và đạt 101% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 72%.
Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định; đầu tư và mở rộng hoạt động trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố; đồng thời rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tinh thần bảo đảm các cơ sở hoạt động hiệu quả, chất lượng.