Hiệu quả thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Bình
Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng.
Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngay từ khi triển khai Đề án, hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về hỗ trợ ưu đãi học nghề, việc làm cho người lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng. Qua đó, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của dạy nghề đối với nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.
Qua 10 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng LĐNT trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuật hiệu quả, thu nhập cao. Cụ thể toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 73.558 người với kinh phí hỗ trợ là 81.778 triệu đồng. Số lao động có việc làm học nghề phi nông nghiệp sau đào tạo bình quân đạt 75%; lao động học nghề nông nghiệp tiếp tục làm nghề cũ nhưng hiệu quả đã đạt cao hơn so với khi chưa được học nghề.
Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố, phát triển. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 04 trường cao đẳng (01 trường của trung ương); 05 trường trung cấp (01 trường của trung ương) và 18 trung tâm (12 trung tâm công lập, 06 trung tâm tư thục). Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị các cơ sở ngày càng được đầu tư, nâng cấp hiệu quả, góp phần tăng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Chính sách về dạy nghề được đổi mới. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế ở từng địa phương, đem lại việc làm bền vững cho người lao động.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý đã được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn hóa về các điều kiện so với tiêu chuẩn theo quy định. Trong giai đoạn 2010-2018, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 413 người (là giảng viên, giáo viên, người dạy nghề của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh) với tổng kinh phí là 510 triệu đồng.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh vẫn còn hạn chế như: Một số địa phương chưa quan tâm sát công tác đào tạo nghề cho LĐNT; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai thực hiện Đề án không thường xuyên, đồng bộ; Hệ thống tổ chức, quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập; Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ…
Có thể nói, đào tạo nghề cho LĐNT ở Thái Bình đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Kết quả đào tạo nghề hàng năm đều vượt so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm (bình quân 2,5%/năm). Chất lượng LĐNT ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được cơ bản các nội dung, chính sách về dạy nghề cho LĐNT, từ đó giúp LĐNT thấy được sự cần thiết đối với việc học nghề và tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả.
Trần Anh