Nâng xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp và tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Quyết định số 883/QĐ-LĐTBXH về Kế hoạch nâng xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp và tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Quyết định số 883/QĐ-LĐTBXH về Kế hoạch nâng xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp và tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức.
Mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức xây dựng các giải pháp nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề nghiệp lên từ 20-25 bậc theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Kế hoạch tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: hoàn thiện thể chế, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội và doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp (GDNN); tự chủ và trách nhiệm giải trình chất lượng GDNN; gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội...
Cụ thể, rà soát, đánh giá các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư trong lĩnh vực GDNN, thu hút nhà đầu tư thành lập cơ sở GDNN, thu hút các nguồn lực thực hiện xã hội hóa GDNN; xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp về trao quyền tự chủ đầy đủ và tăng cường trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo cho cơ sở GDNN...
Xây dựng và số hóa nội dung tuyên truyền như xây dựng, biên tập, phát hành, số hóa các nội dung, ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền; xây dựng các chương trình quảng bá GDNN tới đông đảo giới trẻ, đặc biệt là học sinh đang theo học trình độ THCS, THPT, người lao động để hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng nghề nghiệp, từ đó lựa chọn chương trình GDNN phù hợp với bản thân;... tăng cường truyền thông qua mạng viễn thông và internet: tăng cường cập nhật, phổ biến thông tin trên mạng xã hội, kênh truyền hình trực tuyến; tăng cường sự tham gia của các cơ sở GDNN trong việc tham gia xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục hướng nghiệp và cử nhà giáo GDNN tham gia giảng dạy giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS, THPT; tăng cường các hoạt động đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở GDNN với doanh nghiệp nhằm công khai thông tin về những đổi mới trong nâng cao chất lượng GDNN ở Việt Nam...
Tập trung thực hiện tốt các quy định về bảo đảm chất lượng GDNN bao gồm: đội ngũ nhà giáo; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất, thiết bị; tổ chức đào tạo; kiểm tra, đánh giá...; xây dựng và hướng dẫn thực hiện khung bảo đảm chất lượng chương trình GDNN; đẩy mạnh hoạt động kiểm định và công nhận chất lượng; phổ biến, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở GDNN về kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN...
Thiết lập các cơ chế tạo môi trường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực GDNN và là một chủ thể quan trọng của đào tạo nghề nghiệp với các trách nhiệm rõ ràng, cụ thể; triển khai các cuộc khảo sát về nhu cầu đào tạo gắn với thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội với các đối tượng cơ sở GDNN, doanh nghiệp, người lao động, học sinh, sinh viên nhằm thu thập số liệu, thông tin về cung cầu lao động, mức độ đáp ứng của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp với yêu cầu của nhà tuyển dụng và sử dụng lao động; liên tục cập nhật những kỹ năng, yêu cầu trình độ mới, ngành nghề mới xuất hiện và những xu thế về tuyển dụng lao động làm cơ sở điều chỉnh, sửa đổi chương trình đào tạo nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh Công nghiệp 4.0...
Chủ động cung cấp thông tin cho Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về hệ thống GDNN của Việt Nam; xây dựng các tài liệu, sổ tay hướng dẫn về các chỉ số GCI 4.0 về đào tạo nghề nghiệp; tạo lập kết nối, chia sẻ và liên thông dữ liệu giữa GCI 4.0 với các thiết chế báo cáo đánh giá khác như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu, năng suất lao động...để phản ánh đầy đủ hơn hệ thống GDNN trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội và môi trường...
Bộ Lao động và Thương binh yêu cầu các nhiệm vụ, giải pháp trên phải từng bước được nâng cao chất lượng nội tại, trở thành động lực thúc đẩy hệ thống GDNN, không chạy theo các đánh giá cảm nhận hoặc định lượng hình thức.
Trần Anh