Buôn lậu, gian lận thương mại nhiều biến tướng
Mới đây, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389/ĐP tỉnh) đã yêu cầu các ngành thành viên triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó cần nâng cao nghiệp vụ giải mã thành công các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại dưới những chiêu trò mới công nghệ cao.
Căn cứ kết quả xác minh và tài liệu thu thập sau khi kiểm tra, thu giữ 50 gói bột ngọt (mì chính) nhãn hiệu AJINOMOTO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ do 2 đối tượng vận chuyển, ngày 27/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra lệnh khám xét khẩn cấp cửa hàng Nghĩa Phương tại xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) do Nguyễn Trọng Nghĩa và Thái Thị Phương (vợ Nghĩa) làm chủ. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ 335 gói mì chính, 126 bao bì cùng mang nhãn hiệu AJINOMOTO, 1 bao tải màu trắng chứa mì chính có trọng lượng 25kg và 15 vỏ bao tải trên bao bì in tên chữ nước ngoài, dán 1 tem phụ chữ tiếng Việt và một vài máy móc khác. Ngày 29/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Nghĩa về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và ngày 30/1/2022 khởi tố bị can đối với Thái Thị Phương về hành vi buôn bán hàng giả. Vụ việc cho thấy đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đã sử dụng rất nhiều chiêu trò nhằm tránh né pháp luật và trục lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Cơ quan thường trực BCĐ 389/ĐP tỉnh cho biết: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Hàng hóa vi phạm tập trung nhiều vào nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, thuốc lá, rượu, mì chính, bánh kẹo, giày dép, quần áo, mỹ phẩm... Thủ đoạn, hành vi của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại biến tướng dưới nhiều hình thức, luôn thay đổi thời gian hoạt động, phương thức vận chuyển, địa điểm tập kết hàng hóa, xé lẻ hàng hóa, quay vòng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu hoặc tháo rời, giấu kín trên các phương tiện giao thông. Đáng quan ngại, dựa vào sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, không ít đối tượng lợi dụng các kho hàng của đơn vị bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời khiến cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại, từ đầu năm đến nay, BCĐ 389/ĐP tỉnh đã ban hành 21 chương trình, văn bản chỉ đạo các ngành thành viên tăng cường nắm tình hình, kiểm tra trọng tâm, trọng điểm các ngành hàng có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm; chú trọng phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. 6 tháng đầu năm, các ngành thành viên đã tổ chức kiểm tra 1.887 vụ việc, phát hiện và xử lý 1.105 vụ, phạt vi phạm hành chính 6.713.534.000 đồng, truy thu thuế 6.062.000.000 đồng, tịch thu hàng hóa với giá trị gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, BCĐ 389/ĐP tỉnh tiếp nhận 5 tin báo qua đường dây nóng về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đã xử lý 3 vụ, xử phạt 51.500.000 đồng, tịch thu 374 bộ kit test Covid-19, 796 chiếc túi, ví các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến khó lường, nhất là dịp cuối năm, nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, BCĐ 389/ĐP tỉnh yêu cầu các ngành thành viên tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu để đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại với quy mô lớn. Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tập trung kiểm tra, xử lý hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các loại hàng hóa vi phạm như thuốc lá điện tử, ma túy dưới dạng kẹo... và vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ số, hàng hóa vận chuyển qua đường bưu chính.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389/ĐP tỉnh cho biết: BCĐ đã chỉ đạo các ngành thành viên tích cực vận động, phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp thông tin cách nhận biết về hàng thật, hàng giả, hàng nhái đối với sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp bị xâm phạm, đồng thời tố giác các hành vi vi phạm với cơ quan chức năng để có biện pháp đấu tranh hữu hiệu. Điều quan trọng hơn cả là ngoài trách nhiệm của các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương cần vào cuộc đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần phòng ngừa từ xa, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả, dù tội phạm có nhiều biến tướng và thủ đoạn tinh vi.
Lực lượng liên ngành BCĐ 389/ĐP tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các chợ, siêu thị trong 6 tháng cuối năm.