Thị xã trong trái tim cư dân đô thị
Năm 2024 đánh dấu mốc son thành phố Thái Bình tròn 20 năm xây dựng và phát triển nhưng đến hôm nay không ít người dân “gốc” thành phố vẫn còn quen gọi với cái tên thân thương “thị xã Thái Bình”. Ký ức ấy, thói quen ấy cũng là những kỷ niệm về một thời khốn khó, để chứng kiến một thành phố trẻ hôm nay đang mạnh mẽ vươn mình.
Khu tập thể 4, 5 tầng trước đây...
Tháng năm cứ thế vội qua đi, con người và cuộc sống cũng đổi khác nhiều, chỉ có kỷ niệm là vẫn còn vẹn nguyên như thế... Tròn bảy thập niên từ ngày giải phóng thị xã nhưng ký ức của một thời hoa lửa hào hùng vẫn vẹn nguyên trong trái tim của quân và dân thành phố Thái Bình. Với tinh thần “Tất cả để kháng chiến, tất cả để chiến thắng”, Thị ủy đã lãnh đạo nhân dân triệt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Trong hơn 4 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thị xã đã kết hợp việc xây dựng cơ sở nội thị với cơ sở ngoại thị, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; cùng quân dân trong tỉnh đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Giải phóng thị xã Thái Bình ngày 30/6/1954 không chỉ đóng góp vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến tại địa phương, mà quân dân thị xã còn đóng góp vào bài học kinh nghiệm xây dựng cơ sở, đấu tranh trong lòng địch. Tại hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952, Bác Hồ tặng cờ thêu 8 chữ vàng “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch” cho Đảng bộ và nhân dân thị xã Thái Bình. Sau hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã tập trung khôi phục lại kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu thương, thợ thủ công và công thương tư bản tư doanh; thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Những thắng lợi giành được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng đã tạo ra những điều kiện vững chắc để Đảng bộ và nhân dân thị xã tiếp tục đối phó với hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược: 1965 - 1968 và 1972. Với truyền thống cách mạng kiên cường, Đảng bộ và nhân dân thị xã vừa phòng, chống, đánh trả máy bay địch vừa phải duy trì phát triển sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi nghe tiếng “Tổ quốc gọi tên mình” đã xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường đại học với bao mơ ước cháy bỏng của tuổi xuân xanh, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” xông pha vào chiến trường miền Nam, lập nên chiến công hiển hách, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã tròn 70 năm ngày giải phóng thị xã. Bảy thập niên đã qua, cũng là chặng đường dài thị xã vươn lên trở thành thành phố. Một đô thị lớn đang từng ngày “thay da đổi thịt”, vóc dáng thành phố hiện đại, văn minh đã hình thành.
Ông Đoàn Vĩnh Bảo, Bí thư Chi bộ 5, phường Bồ Xuyên, gần 80 tuổi chia sẻ: Thị xã Thái Bình trước năm 1975 chỉ có một số con đường như: Lê Lợi, Bồ Xuyên, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... Lúc bấy giờ là thời kỳ bao cấp nên mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn. Buôn bán của người dân thị xã chỉ chiếm khoảng 10%. Phần lớn là mua bán quốc doanh, buôn bán tư nhân rất hạn chế. Người dân, cán bộ đều tận dụng ngôi nhà của mình để chăn nuôi, trồng rau cải thiện cuộc sống.
Giờ đây, ai cũng cảm nhận thành phố đang trở mình lớn lên từng ngày, nhưng ẩn sâu trong lòng nó là cả một quá khứ thăng trầm. Không ai quên khu vực Xí nghiệp cơ khí Đoàn kết Thái Bình nay đã là chung cư Damsan đường Trần Hưng Đạo, hay khu tập thể 4, 5 tầng cũ đang dần hiện hữu với tòa nhà thương mại cao tầng. 20 năm trước, phía Tây Nam thành phố chỉ là những cánh đồng lúa mênh mông; giờ đây là các khu công nghiệp: Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, nhiều khu phố, khu dân cư mọc lên sầm uất.
Trong ký ức của bà Lương Thị Loan, tổ 7, phường Trần Hưng Đạo thì được ra rạp xem phim đối với những thanh niên ở thời bao cấp như bà là những ký ức vô cùng đẹp.
Bà Loan cho biết: Để cầm được trên tay chiếc vé xem phim thời bao cấp là cả một hành trình dài chứ không đơn giản là đến rạp mua vé xem luôn như bây giờ. Thứ nhất phải được phân phối, thứ hai phải có người thân quen, thứ ba phải có một thành tích nhất định nào đó thì mới được phân phối vé để đi xem phim.
Còn theo anh Nguyễn Văn Chiến, tổ 1, phường Trần Lãm: Tôi sinh ra, lớn lên ở thành phố này khi còn là một thị xã tiêu điều với một vài dãy phố, những con đường heo hút, những công trình lịch sử để lại bị chiến tranh tàn phá, không còn nguyên vẹn. Thế hệ người trẻ chúng tôi ngày đó được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình nhưng cũng đã chứng kiến một phần cuộc sống thiếu thốn, vất vả, nhọc nhằn của người dân thời kỳ bao cấp. Trong ký ức, những địa danh mộc mạc hằn sâu trong nỗi nhớ của chúng tôi với những đường phố xưa, từ cầu Bo rồi qua Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, qua cầu Quyết Tiến, cầu Máy Miến, cầu Nề, cầu Lương thực. Rồi, xóm Bờ hồ, lò vôi bà Đội Thủy, sông Đoan Túc, sông Kỳ Bá...
... đang được chỉnh trang với các tòa nhà cao tầng hiện đại.
Đi qua khó khăn bằng sự nỗ lực, kiên cường vốn có, cứ thế thị xã Thái Bình nhỏ bé mà anh hùng đã vươn mình trở thành một thành phố trẻ. Những gian khổ ngày qua đã trở thành quá khứ lịch sử. Những công trình hiện đại mọc lên, phố xá tấp nập xe cộ. Nhịp sống mới no ấm, hạnh phúc, văn minh đang bừng lên trong mỗi phố phường, trong mỗi căn nhà và rạng ngời trên gương mặt mỗi người, tươi trẻ! Hai mươi năm thành phố, hai mươi năm của công cuộc trở mình, lớn dậy đầy tự hào, tràn đầy sức sống, đang bước những bước đi đầy vững chắc cùng đất nước phát triển.