Tăng cường truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19
Nhằm tăng cường vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế ban hành Công văn về việc tăng cường truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ban ngành liên quan khẩn trương triển khai công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, lồng ghép truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Thống nhất quan điểm truyền thông “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19”, để vận động người dân chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch.
Huy động sự tham gia của tất cả các sở ban ngành, đoàn thể thực hiện công tác truyền thông vận động người dân từ 12 tuổi trở lên đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, người dân thuộc đối tượng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế đi tiêm mũi 4 và đưa trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế.
Tăng cường công tác truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 với các nội dung: Vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19 vì vậy cần tiếp tục tiêm vắc xin các mũi 3, mũi 4 (mũi nhắc lại) và tiêm vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Truyền thông về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch: giảm tỷ lệ mắc COVID-19 phải nhập viện, giảm tỷ lệ mắc COVID19 diễn biến nặng, giảm tử vong do COVID-19… Hình thức tuyên truyền phải phù hợp với các địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, TikTok,…), sử dụng các trang mạng xã hội của địa phương để truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng…