A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

07 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức quán triệt Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; thực hiện toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện bao gồm:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

2. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các văn bản chỉ đạo của Trung ương bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

3. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; ngăn chặn, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến đường thủy nội địa, vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

4. Khai thác lợi thế của vận tải đường thủy nội địa, nâng cao thị phần vận tải đường thủy nội địa chia sẻ với đường bộ; nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

5. Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội.

6. Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước phủ kín hệ thống giám sát giao thông bằng camera; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

7. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; thường xuyên tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

Tại Kế hoạch, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, ban ngành, Trưởng Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố, căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng chống ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2022 – 2025 của địa phương, đơn vị mình; tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng tại địa phương, đơn vị mình quản lý. Đồng thời, giao Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm Kế hoạch này để giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo quy định.


Tác giả: Vũ Minh
Nguồn:Tin ngắn 50.000 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết