Phát triển, mở rộng thành phố Thái Bình hướng tới đô thị loại I
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Thái Bình sẽ chuyển trọng tâm phát triển về phía Đông và Đông Bắc. Thành phố sẽ sáp nhập nhiều xác, mở rộng không gian và tập trung đáp ứng các tiêu chí khu đô thị loại I.
TP.Thái Bình hiện có 10 phường, 9 xã với tổng diện tích hơn 6.809ha, dân số hơn 218.000 người. Phía Đông Nam và Nam của thành phố giáp huyện Kiến Xương, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Vũ Thư, phía Bắc giáp huyện Đông Hưng. Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND tỉnh thông qua ngày ngày 20/9/2023, TP.Thái Bình được quy hoạch mở rộng định hướng theo tiêu chí đô thị loại I sau năm 2025.
Cùng với đó, thành phố sẽ chuyển trọng tâm phát triển về phía Đông, hoàn thiện mô hình thành phố 2 bên sông Trà Lý và phát triển đô thị từng phần, có trọng tâm trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tập trung phát triển đô thị phía bên trong tuyến tránh S1 và đường Vành đai phía Nam thành phố, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển đô thị cảnh quan, trọng tâm là thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý, khu công viên sinh thái Hoàng Diệu, công viên ổi Bo.
Trong giai đoạn 2026-2030, dự kiến đến năm 2030, TP.Thái Bình phát triển mở rộng không gian tập trung về phía Đông và Đông Bắc, sáp nhập thêm các xã Đông Dương (huyện Đông Hưng); xã Tân Phong, xã Trung an (huyện Vũ Thư); xã Tây Sơn, xã An Bình, xã Quốc Tuấn, xã Bình Nguyên, xã Lê Lợi, xã Hồng Thái, xã Trà Giang (huyện Kiến Xương). Sau khi sáp nhập, TP.Thái Bình được mở rộng lên gấp đôi với diện tích tự nhiên toàn đô thị là hơn 131,8km2. Quy mô dân số toàn đô thị đến năm 2030 khoảng 566.479 người, trong đó dân số nội thị khoảng 496.000 người.
Việc sáp nhập và mở rộng TP.Thái Bình sẽ nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Quá trình này cũng sẽ tạo động lực phát triển bền vững, khai thác hiệu quả quỹ đất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng đô thị, từ đó thu hút đầu tư và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án quy hoạch đô thị.
Đồng thời, việc mở rộng không gian đáp ứng tiêu chí đô thị loại I đã đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Với các chiến lược tập trung vào nâng cao chất lượng đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị đã định hướng rõ ràng cho việc tăng cường kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho đô thị hóa, từ đó khẳng định vai trò và tiềm năng phát triển của thành phố trong khu vực.