Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Công văn số 3199/BKHĐT-ĐTNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Công văn số 3199/BKHĐT-ĐTNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện và chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện một số nội dung sau:
Triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, gồm: Xây dựng quy định điều kiện về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích đất phù hợp với thực tế tại địa phương, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế.Xây dựng và công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Đầu tư. Thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến tiếp nhận hồ sơ; cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đầu tư; chấp hành chế độ báo cáo đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Triển khai thực hiện Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong giải quyết thủ tục đầu tư. Chỉ đạo, kiêm tra và giám sát việc thực hiện cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đãng ký đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư của cơ quan đăng ký đầu tư.
Chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện dự án đầu tư. Xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp không tuân thủ chế độ báo cáo.
Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai, không thực hiện đúng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế... trong quá trình thẩm định và quản lý các dự án đầu tư, trong đó có dự án đầu tư nước ngoài, tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp trong nước và quốc tế.
Tố chức thẩm định và đánh giá cẩn trọng về công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, môi trường, suất đầu tư... đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ tại Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế.
Tăng cường đối thoại, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư; Rà soát, xây dựng, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của địa phương; tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới.