• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+

Lễ hội chùa Keo mùa thu: Mang đậm sắc thái văn hóa dân gian

Năm 2012, chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia. Những dấu ấn liên tiếp thể hiện sự tiếp nối đáng tự hào cho thấy giá trị độc đáo của ngôi chùa cổ kính gần 400 năm tuổi. Chẳng vậy mà từ xa xưa đã lưu truyền câu ca “Dù cho cha đánh mẹ treo/Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”.

 

Chùa Keo là điểm đến văn hóa tâm linh trên quê hương Thái Bình.

Ngôi chùa cổ kính

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự, tọa lạc tại làng Keo. Phía trước là sông Hồng cuộn chảy, uốn lượn bao quanh, chở phù sa, màu mỡ bồi đắp cho mùa màng, vạn vật tốt tươi, cư dân đông đúc, làng quê trù phú, phong cảnh hữu tình. Theo thần tích ghi lại: Năm 1061, thời vua Lý Thánh Tông, Thiền sư Dương Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang làm nơi ẩn nhẫn thuyết pháp giảng đạo, hộ quốc, an dân. Ông đã có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong làm Quốc sư triều Lý. Năm 1167, vua Lý Anh Tông xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang để tri ân công đức của Thiền sư. Chùa Thần Quang xưa tồn tại được 500 năm, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, đến năm Tân Hợi (1611) gặp một trận đại hồng thủy đã bị cuốn trôi. Dân ấp Keo phải di cư đi nơi khác và chia thành 2 làng. Từ đó, người dân ở 2 làng vận động phát tâm xây dựng lại chùa. Theo văn bia còn được lưu giữ chỉ dẫn: chùa Keo do vị quan thời Lê - Trịnh là Quận công Hoàng Nhân Dũng cùng phu nhân là bà Lại Thị Ngọc Lễ xin chúa Trịnh cấp cho 100 cây gỗ lim để xây dựng chùa, các vật liệu khác do nhân dân tự đóng góp. Năm 1630, ông mời được 42 hiệp thợ về khởi công. Toàn bộ công trình chùa Keo được hoàn thành sau đó 28 tháng, tức là vào tháng 11/1632.

Chùa Keo hiện nay đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thờ Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Du khách khi đến với Thái Bình không thể bỏ lỡ cơ hội được vãn cảnh, dâng hương tại nơi đây. Đến với công trình kiến trúc độc đáo, có nhiều di vật, cổ vật quý hiếm như chùa Keo, du khách thường ghi lại hình ảnh tại gác chuông uy nghi 3 tầng 8 mái cổ kính, trầm mặc, độc nhất vô nhị hay bộ cánh cửa gỗ chạm hình tượng rồng - kiệt tác nghệ thuật của người xưa... Về hương án chùa Keo, bảo vật quốc gia được công nhận vào tháng 12/2021, ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hương án chùa Keo là một sản phẩm thủ công, do đó đây là hiện vật gốc độc bản, cấu trúc và các chi tiết hoa văn phong phú, phức tạp, khó có sự lặp lại ở bất kỳ sản phẩm điêu khắc gỗ nào. Có 3 điều tạo nên sự độc đáo của hương án chùa Keo, đó là kích thước lớn, hoa văn trang trí dày đặc và hệ thống bánh xe.

Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo chia sẻ: Để bảo vệ, phát huy giá trị hương án chùa Keo cũng như các cổ vật quý hiếm tại di tích, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại lễ hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban Quản lý di tích phối hợp với ngành chức năng xây dựng kế hoạch bảo vệ, tăng cường công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy, nổ, phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của bà con nhân dân.

Rộn ràng lễ hội truyền thống

Dọc theo chiều dài lịch sử, lễ hội chùa Keo được duy trì đều đặn nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ - vương triều nhà Lý, cũng như tri ân công lao của những người đã có công xây dựng chùa. Hàng năm, chùa đều có hai mùa lễ hội là lễ hội mùa xuân vào ngày mùng 4 tháng Giêng và lễ hội mùa thu diễn ra từ ngày 10 - 15/9 âm lịch. Trong đó, lễ hội mùa thu là hội chính với những nghi thức tế lễ và trò chơi mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, gần gũi với nét sinh hoạt của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Năm nay, lễ hội mùa thu được tổ chức theo quy mô cấp huyện với các hoạt động diễn ra phong phú, đa dạng, hấp dẫn, kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đất và người Thái Bình. Phần lễ bao gồm các nghi lễ truyền thống như lễ khai chỉ diễn ra tại tòa Giá Roi vào sáng ngày 10/9 năm Quý Mão; lễ rước Đức Thánh từ đền Thánh ra Tam quan ngoại và từ Tam quan ngoại vào đền Thánh diễn ra từ ngày 13 - 15/9 năm Quý Mão; đêm hội hoa đăng tại hồ trước cửa Tam quan nội vào ngày 14/9 năm Quý Mão.

Điểm nhấn đặc biệt của lễ hội mùa thu năm nay là lễ khai mạc diễn ra vào tối ngày 10/9 năm Quý Mão với chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi. Với bố cục 3 chương: Huyền tích chùa Keo, Về miền di sản, Vẻ đẹp bất tận, chương trình được lên kịch bản bởi nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, Bùi Gia Huân; được cố vấn lịch sử bởi Giáo sư sử học Lê Văn Lan. Chương trình có sự tham gia của khoảng 300 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Chèo Thái Bình... Xuyên suốt chương trình có sự kết hợp hài hòa của những ca khúc tiêu biểu về Thái Bình được sáng tác qua các thời kỳ với sự tổng hòa của các thủ pháp nghệ thuật như lời bình, cảnh diễn, âm thanh, ánh sáng... Đây không chỉ là điểm nhấn tại lễ hội mà còn góp phần tô đậm những giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình; giới thiệu tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh, sinh thái, mời gọi các nhà đầu tư về với Thái Bình.

Thu về trảy hội chùa Keo đã trở thành mong mỏi không chỉ của mỗi người dân quê lúa mang niềm tự hào về quê hương mà còn là điểm đến mời gọi du khách gần xa trải nghiệm văn hóa dân gian độc đáo trên mảnh đất Thái Bình. Mỗi kỳ lễ hội, người dân làng Keo nói riêng, huyện Vũ Thư nói chung lại nô nức chuẩn bị để bày tỏ lòng mến khách, chung tay gìn giữ nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của cha ông để chùa Keo sẽ luôn là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của tỉnh.

 Lễ rước Đức Thánh trong lễ hội chùa Keo.


Tác giả: Theo Baothaibinh.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Năm 2023

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2022

Năm 2021

Năm 2018

Năm 2017

Bản đồ hành chính

Diện tích: 1.586,3 Km2

Dân số: 1.860.447 người

 
 
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.316
Hôm qua : 7.591
Bài viết được quan tâm