Ðoàn Cải lương Thái Bình: 60 năm một chặng đường
Tháng 8/1954, với mục đích kiến thiết tạo nên một nền sân khấu mang tính nghệ thuật đỉnh cao hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp hóa của tỉnh, Đoàn Cải lương Thái Bình được thành lập với tên gọi là Đoàn Cải lương Kiến Thiết. Những ngày đầu thành lập, hoạt động của Đoàn gặp nhiều khó khăn: phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc đi diễn, biểu diễn của các diễn viên thiếu thốn, mức sống của các thành viên trong Đoàn thấp. Song, với tình yêu nghề, say sưa với nghệ thuật cải lương, trong mọi hoàn cảnh, tập thể cán bộ, diễn viên Đoàn Cải lương Thái Bình đã không ngừng cố gắng vươn lên. Đoàn thường xuyên xuống các xã, phường phục vụ nhân dân trong tỉnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.
Năm tháng trôi đi, cánh cửa của thời bao cấp dần khép lại để mở ra một thời kỳ đổi mới, ở giai đoạn này không ít các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng, có nguy cơ giải thể. Đoàn Cải lương Thái Bình vào những năm 1990 - 1991 cũng không tránh khỏi tình trạng ấy. Để tiếp tục duy trì hoạt động, với phương châm “ít nhưng tinh, giảm hành chính, bớt trung gian, giao đúng năng lực, sở trường, tăng cường công tác quản lý giữ gìn tài sản chung, chống lãng phí, bảo đảm tích lũy để tái hoạt động, phát huy yếu tố nội lực, lấy hiệu quả làm thước đo giá trị”, Đoàn đã tiến hành tinh giản biên chế, từ 45 biên chế chỉ còn lại 34 biên chế, nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng thành viên. Mọi hoạt động đều bảo đảm tính dân chủ khách quan, quy chế chi tiêu nội bộ rõ ràng nhờ vậy đã xây dựng được một khối đoàn kết thống nhất cao giữa lãnh đạo và anh em nghệ sĩ tạo nên một sức mạnh tổng thể cho mỗi chương trình hành động, đưa Đoàn từng bước đi qua giai đoạn gian khó.
Tuy không phải là loại hình truyền thống của tỉnh nhưng thông qua việc biết khai thác đặc điểm từng vùng, miền để dàn dựng và biểu diễn, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Đoàn Cải lương Thái Bình đã xây dựng được nhiều vở diễn bảo đảm về hình thức, nội dung có tính nhân văn hướng thiện, phản ánh được những vấn đề cuộc sống hôm nay. Tiêu biểu như các vở: “Thằng ngố đòi nợ Phật”, “Ngai vàng và quyền lực”, “Trạng Lợn”, “Bão tố giữa đời thường”, “Hoàng hôn không có nắng”, “Người mất tích trở về”, “Vòng xoáy”, “Người thi hành án tử”, “Nỗi đau còn đọng lại”. Đoàn đã dàn dựng được bộ vở diễn về triều đại nhà Trần như: “Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Huyền Trân công chúa, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Tình sử Trần Thái Tông hoàng đế”. Đây là cụm 5 tác phẩm nghệ thuật được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xét trao giải tác phẩm sân khấu xuất sắc toàn quốc trong các năm từ 1997 - 2013; là những tác phẩm có giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào về đất và người Thái Bình trong hiện tại và mai sau; góp phần quảng bá, thu hút nhân dân cả nước đến với Khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ và lăng mộ các vua Trần tại Thái Bình. Bên cạnh đó, từ năm 2004 đến nay, Đoàn đã tham gia nhiều đêm diễn tạo quỹ cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, ủng hộ hơn 400 suất quà, hàng trăm bộ quần áo cho người nghèo, người mù, người khuyết tật, trẻ mồ côi…
Thời gian tới, phát huy vai trò lấy nghệ thuật để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, với đội ngũ diễn viên, nhạc công đang trong giai đoạn “chín” trong nghề, dựa trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đoàn Cải lương Thái Bình sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung mỗi tác phẩm nghệ thuật, tuyên truyền có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.