Câu lạc bộ chèo xã Quốc Tuấn - Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống
Năm 2005, được sự giúp đỡ của UBND xã, CLB chèo xã Quốc Tuấn ra đời với 20 thành viên phần lớn đến từ thôn Đắc Chúng. Là những người quanh năm “chân lấm tay bùn” nhưng mỗi thành viên trong CLB đều có tình yêu, sự đam mê đối với nghệ thuật chèo truyền thống, mong muốn duy trì và thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng tại địa phương ngày một phát triển. Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của CLB gặp không ít khó khăn. Kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu thốn; các diễn viên, nhạc công chưa từng học qua một khóa học, lớp học chèo nên khả năng ca hát, biểu diễn yếu. Song, với tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó, các thành viên trong CLB đã không ngừng cố gắng vươn lên. Ông Phạm Ngọc Nhụ, Chủ nhiệm CLB chèo xã Quốc Tuấn cho biết: Để tiếp tục phát triển CLB chèo, các thành viên đã đi vận động các nhà hảo tâm, tâm huyết với phong trào của địa phương tài trợ kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ biểu diễn, thuê thầy về dạy. Tuy nhiên, số tiền ủng hộ cộng với số kinh phí do xã hỗ trợ cũng không đủ để CLB trang trải, vì vậy các thành viên CLB phải tự bỏ tiền túi ra để tiếp tục duy trì hoạt động.
Bên cạnh việc khắc phục những khó khăn về tài chính, các diễn viên, nhạc công CLB phải tự khắc phục những khó khăn trong việc diễn. Một tháng hai buổi tập, trời nắng cũng như trời mưa, ngày mùa cũng như tháng ba ngày tám, các thành viên CLB đều có mặt đông đủ tập luyện theo sự hướng dẫn của những nghệ sĩ chèo có tiếng trong tỉnh. Bằng sự nhiệt tình, kiên trì rèn luyện, theo thời gian, từ những người chỉ biết một vài làn điệu chèo, biết chơi một số nhạc cụ, các diễn viên, nhạc công trong CLB chèo xã Quốc Tuấn đã hát hay, đàn giỏi các trích đoạn chèo cổ, các bài hát chèo nổi tiếng, dàn dựng được nhiều vở diễn có nội dung tuyên truyền cao. CLB trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào văn nghệ của xã, thường xuyên được Ban văn hóa xã tin tưởng giao chuẩn bị các tiết mục văn nghệ... trong hội nghị của địa phương, lễ hội của các thôn. Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, CLB còn được Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Kiến Xương chọn tham dự nhiều cuộc thi cấp tỉnh. Một số hoạt cảnh chèo do CLB biểu diễn tạo được ấn tượng sâu sắc trong quần chúng nhân dân, tiêu biểu như các trích đoạn chèo cổ vở “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên” hay các vở “Cây cầu đá”, “Tiếng sáo vầng trăng”…
Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết duy trì hiệu quả hoạt động của CLB chèo, ông Nhụ cho biết thêm: Sự say mê, mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương chính là yếu tố then chốt giúp các thành viên trong CLB không bỏ cuộc trước những khó khăn. Khi hoạt động của CLB đã vào nền nếp, sau mỗi buổi biểu diễn, với mục đích giúp nhau cùng tiến bộ, các thành viên CLB thường tổ chức liên hoan vừa để động viên, khích lệ vừa để góp ý, rút kinh nghiệm những gì làm được, chưa làm được để các thành viên tiếp tục khắc phục hạn chế, phát huy sở trường trong những tiết mục sau này. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong CLB tự nguyện đóng quỹ phục vụ việc thăm hỏi ốm đau, việc hiếu đã góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên. Sự tích cực tham gia, theo sát mọi hoạt động CLB của lãnh đạo xã cũng là nguồn cổ vũ, động viên giúp các thành viên trong CLB thấy được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó tích cực tập luyện, duy trì tốt các mặt hoạt động.
Không thù lao, không lương, những người “nghệ sĩ nông dân” trong CLB chèo xã Quốc Tuấn đã làm công việc “vác tù và hàng tổng” gần 10 năm nay. Luôn cháy hết mình trong từng vở diễn, từng trích đoạn, từng câu hát chèo, hoạt động của CLB chèo xã Quốc Tuấn đã góp phần tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị - xã hội của xã trong giai đoạn mới, truyền ngọn lửa yêu chèo đến với thế hệ trẻ. Đó là việc làm thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cha ông để lại.