A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng

(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 7/2020)

 

Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, là người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam hiện đại - Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Là người đứng đầu một đảng cầm quyền và người đứng đầu Nhà nước, Người sớm nhận rõ được mối nguy hại của các tệ nạn gắn với Nhà nước, với người có chức có quyền, nhất là trong điều kiện người có chức có quyền lại là đảng viên của một đảng cách mạng vừa lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập cho Tổ quốc. Trong các bài nói và viết của mình, ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền cho đến sau này, Người rất chú ý đến việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, là người lãnh đạo Nhà nước Việt Nam dân chủ đầu tiên đề cập đến việc chống các bệnh quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí…Những bệnh này cũng có thể được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ cổ hơn đó là “bất liêm”, mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.

Nghiên cứu các tác phẩm của Bác, chúng ta có thể thấy rằng Hồ Chí Minh là người Việt Nam hiện đại đầu tiên đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất, các hình thức biểu hiện, các phương pháp phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí trong khu vực công và trong cả khu vực tư.

Thế nào là tham nhũng? Thông qua định nghĩa chữ “Liêm”, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về tham nhũng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, Người chỉ ra 2 biểu hiện trong 10 hành vi bất liêm của cán bộ đó là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Biểu hiện của bệnh tham ô, theo Hồ Chí Minh, đó là “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư” là bất liêm, tức không trong sạch, tham lam mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.

Về tác hại của tệ tham ô, tham nhũng. Ngay từ những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã coi trọng lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực Nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm, Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ” nó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”.

Theo Hồ Chí Minh, trong ba kẻ thù trên, tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Nó nguy hiểm đến mức mà Người từng xếp căn bệnh này ngang hàng với tội phản quốc. Năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam, Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác Hồ giải thích : Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: “ ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”. Chính vì việc coi “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”, nên việc chống loại kẻ địch này rất khó khăn, phức tạp hơn cả việc chống lại giặc ngoại xâm. Chưa xoá bỏ hết cái nọc nguy hiểm này thì cách mạng chưa thành công được, vì nó ngấm ngầm chống phá cách mạng, chống phá sự nghiệp dựng xây chế độ mới của ta. Chống giặc tham nhũng phải được xem là một đặc thù và có sự tham gia của tất cả các cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Vì vậy, Người nhắc nhở nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” này thì chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Cán bộ, đảng viên không được nể nang, không sợ trù dập để kiên quyết chống lại tệ tham nhũng. Đối với quần chúng Nhân dân tăng cường vai trò giám sát của mình thông qua các hình thức. Sự phản ánh của quần chúng Nhân dân chính là một trong các cơ sở để cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra

Theo Người, nguồn gốc của tham nhũng là do tha hóa quyền lực Nhà nước, do thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ, được Hồ Chí Minh xem xét từ hai phía. Thứ nhất, là từ phía cán bộ, công chức Nhà nước mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Nguyên nhân là do: “Xa nhân dân...khinh nhân dân...Sợ nhân dân... Không tin cậy nhân dân... Không hiểu biết nhân dân... Không yêu thương nhân dân… Thậm chí còn lừa phỉnh dân và dọa nạt dân”. Thứ hai, “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ thực hiện chữ LIÊM”.

Phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí như thế nào? tham ô, tham nhũng là vướng vào chủ nghĩa cá nhân, là trục lợi: “Là người có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì thế, muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời Xtalin về cách thức phòng, chống lãng phí và coi đây như một “nghệ thuật”, nhưng “nghệ thuật” đó không phải dễ: “Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: “Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ”.

Quán triệt và vận dụng thực hiện tư tưởng của Người, trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý đất nước phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước. Muốn đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách; các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ. Trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Họ vừa là hạt nhân, vừa đi đầu trong cuộc đấu tranh này; tự mình nêu gương sáng học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…” ; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống quan liêu, tham nhũng.

 


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn:. Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết