Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 6/2020)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh", giữ vững vị trí, vai trò, năng lực cầm quyền, nhất là trong điều kiện Đảng đã giành được chính quyền, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, và đặc biệt thể hiện rõ tính Đảng, tính nhân văn sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của kiểm tra, giám sát là "để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm". Khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện đúng nguyên tắc và các phương pháp công tác đảng, không được áp dụng các phương pháp điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Người yêu cầu người lãnh đạo, ủy ban kiểm tra (UBKT), cán bộ kiểm tra phải có phương pháp kiểm tra, giám sát thật dân chủ, khách quan, thận trọng, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải thật sự nhân văn, nhân bản trong công tác quan trọng đặc biệt này thì mới đem lại kết quả, hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ muốn kiểm tra, giám sát đúng quy định, có kết quả cao, bảo đảm tính nhân văn thì công tác kiểm tra, giám sát phải khoa học có tính hệ thống, thường xuyên thực hiện và phải có người có đủ uy tín, kinh nghiệm, năng lực trình độ để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Không phải gặp việc gì, gặp ai cũng có thể phái đi kiểm tra, giám sát được. Người chỉ rõ: "... muốn kiểm soát có kết quả, phải có hai điều: Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín và phải "khéo kiểm soát". Một mặt, phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát từ trên xuống, tức là người lãnh đạo kiểm tra, giám sát, kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Mặt khác, phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát, kiểm tra, giám sát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cải cách sửa chữa sự sai lầm đó, đó là cách tốt nhất để kiểm tra, kiểm soát, giám sát các nhân viên. Ngoài việc coi trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải coi trọng sự phối hợp, kết hợp với các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quan trọng này thì mới đem lại kết quả, hiệu quả cao nhất và thể hiện đầy đủ, sâu sắc tính dân chủ, khách quan, nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo đúng tư tưởng của Người.
Trong quá trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phải coi trọng thực hành phê bình và tự phê bình trung thực, công tâm, khách quan, thể hiện tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không chen động cơ cá nhân, không mặc cảm, không thành kiến, thù oán nhau. Có như vậy, mới đạt mục đích, yêu cầu và bảo đảm tính Đảng, tính nhân văn. Người chỉ rõ và yêu cầu: "Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình"; phải "... khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ". Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn và lưu ý, trong công tác kiểm tra, giám sát, trong tự phê bình và phê bình phải làm sao cho đảng viên, cán bộ cấp dưới mạnh dạn thẳng thắn góp ý, phê bình đối với đồng chí, nhất là đối với đảng viên là cán bộ cấp trên, cán bộ lãnh đạo; không nên để "họ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, có tình trạng trên là do "Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực" và Người yêu cầu phải "Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói "trước mặt thì nể, kể lể sau lưng".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ tính Đảng, tính nhân văn trong kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm là để răn đe, ngăn ngừa và giáo dục với chính cả đối tượng bị kỷ luật và các tổ chức Đảng, đảng viên nói chung để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Do đó, Người nhắc nhở các cấp uỷ, tổ chức đảng, người lãnh đạo qua kiểm tra, giám sát phải chỉ rõ ưu điểm, thành tích để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên để lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu sửa chữa, khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ khi còn manh nha; nếu thấy cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm thì phải làm rõ chứng lý, kết luận chuẩn xác, không chủ quan, áp đặt; phải để họ được bày tỏ ý kiến của mình về khuyết điểm, vi phạm của mình, tự thấy và tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nhận hình thức kỷ luật một cách tâm phục, khẩu phục thì mới đạt được mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, mới đảm bảo tính Đảng, tính nhân văn trong công tác này: "Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo". Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn, đối với những người không chịu nổi kỷ luật của Đảng, có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng, thì Đảng cũng tạo điều kiện cho họ ra khỏi Đảng và vẫn đối xử tốt, vẫn giữ tình cảm thân thiện với họ và chỉ yêu cầu một điều là: Không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn những người lãnh đạo, UBKT, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên trau dồi nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, giữ gìn đạo đức, lối sống, tác phong công tác khoa học: "... Các UBKT và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra".
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tính Đảng, tính nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Đảng ta đã chỉ đạo thực hiện đúng các nguyên tắc, phương pháp công tác đảng: Dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh và phối hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp, với các ban, ngành có liên quan... Việc kiểm tra, xem xét, kết luận, xử lý đối với tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm luôn thể hiện tính Đảng, tính nhân văn sâu sắc bằng quy trình, thủ tục đầy đủ, cụ thể trong việc kết hợp chặt chẽ tính tự giác tự phê bình và phê bình của đối tượng kiểm tra, việc phê bình, góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan, sự tôn trọng của chủ thể kiểm tra đối với ý kiến của đối tượng kiểm tra, giám sát, của tổ chức, cá nhân có liên quan, với sự vận động thuyết phục, cảm hoá đối tượng kiểm tra, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, với kết quả thẩm tra, xác minh, kết luận chính xác của chủ thể kiểm tra để bảo đảm tính dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, "lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn", thực sự "thấu tình, đạt lý", không gò ép, không khiên cưỡng nhằm đạt tới sự tự giác, sự tâm phục, khẩu phục của đối tượng kiểm tra, bị thi hành kỷ luật. Để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thực sự có chất lượng, hiệu quả, đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT, cán bộ kiểm tra, một mặt, phải nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phù hợp quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về tính Đảng, tính nhân văn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói riêng để góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.