Thái Thụy: Nhân rộng các điển hình học Bác
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Thái Thụy, từ đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình với những việc làm cụ thể, thiết thực.
Cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Ngô Xuân Trung (người bên phải), thôn Lũng Tả, xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương.
Tận tâm với công tác hội
“Gần gũi, nhiệt tình, cởi mở” là cảm nhận của chúng tôi về chị Phạm Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thái Phúc khi cùng chị đến thăm một số mô hình tiêu biểu của hội viên phụ nữ trong xã. Có lẽ vì vậy nên chị được các bà, các cô và chị em hội viên rất quý mến.
Bà Hà Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phúc Trung chia sẻ: Bằng sự sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí Phượng đã đưa công tác hội và phong trào phụ nữ của địa phương hoạt động thiết thực, hiệu quả, trở thành một trong những đơn vị được tổ chức hội cấp trên đánh giá cao. Trong đó có việc chỉ đạo xây dựng và duy trì hiệu quả nhiều mô hình góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên như: câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ hát chèo truyền thống, mô hình thu hút phụ nữ cao tuổi vào tham gia công tác hội và nhiều mô hình nhân đạo, từ thiện ý nghĩa như: mẹ đỡ đầu, biến rác thải thành tiền, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo. Hiện nay, các mô hình đều được chị em phụ nữ thôn Phúc Trung nhiệt tình hưởng ứng.
Chị Phạm Thị Phượng tâm sự: Học và làm theo gương Bác, tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trên cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi thường xuyên chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương, phù hợp với tâm lý của chị em phụ nữ; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, các mô hình thu hút hội viên. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thêm kinh phí xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ, qua đó thu hút chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt ngày càng đông. Tỷ lệ thu hút hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên đạt 87,6%.
Nhằm giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế gia đình, chị Phượng đã tích cực khai thác các nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và nhiều kênh khác nhau giúp 225 hội viên vay với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng; đồng thời thường xuyên kết nối cho các chị em có nhu cầu học nghề, liên kết với công ty cung ứng phân bón cho chị em được mua với hình thức trả chậm. Bản thân chị cũng luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình từ đó làm gương cho hội viên phụ nữ. Nhằm kịp thời hỗ trợ hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chị đã kết nối các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo; kết nối để 4 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu; thường xuyên tặng quà cho hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Phát huy sức mạnh nội lực
Trong những năm qua, xã Mỹ Lộc luôn chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là yếu tố quan trọng, then chốt để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Theo ông Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy xã: Địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, Đảng ủy xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong học tập và làm theo gương Bác; qua đó khơi dậy sức mạnh, nguồn lực, ý chí của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng dân cư nêu cao ý chí quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh - quốc phòng... Trong quá trình thực hiện luôn đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng thời chú trọng việc học và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Ngoài ra, hàng năm cấp ủy, chính quyền địa phương đều kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Là một trong những điển hình tiêu biểu của địa phương trong phát triển kinh tế, hiện nay cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Ngô Xuân Trung, thôn Lũng Tả đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại chỗ và gần 100 lao động vệ tinh với thu nhập từ 3 - 5,5 triệu đồng/tháng. Anh cho biết: Trước đây gia đình sản xuất quy mô nhỏ, với mong muốn giúp bà con địa phương có thêm thu nhập lúc nông nhàn nên gia đình tôi đã huy động các nguồn lực để mở rộng cơ sở sản xuất. Tuy thu nhập không cao bằng làm việc tại các công ty, xí nghiệp song công việc nhẹ nhàng, nhiều người lớn tuổi cũng có thể mang về nhà làm để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Cùng với anh Trung, thời gian qua, học Bác ý chí tự lực, tự cường, nhiều người dân Mỹ Lộc đã vươn lên phát triển kinh tế. Thu nhập trung bình của bà con đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Cũng nhờ tự lực, tự cường, phát huy tốt nội lực, xã Mỹ Lộc đã xây dựng được cơ sở hạ tầng tương đối toàn diện, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Nhân rộng các điển hình
Theo ông Vũ Đức Quyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thái Thụy: Để việc học và làm theo Bác tiếp tục đi vào chiều sâu, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01 của Bộ Chính trị (khóa XIII) với phương châm thực hiện “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; triệt để khắc phục bệnh hình thức và đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị, các chi bộ, đảng bộ cơ sở chọn những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tập thể, cá nhân để bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến, từ đó tổ chức triển khai nhân rộng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng đã gắn việc học và làm theo Bác với giải quyết những vấn đề bức xúc, nhân dân quan tâm và những trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như giải quyết các vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm...
Để nhân rộng các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác, góp phần làm lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong Đảng bộ và toàn xã hội, Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ đạo Đài Truyền thanh Truyền hình huyện thường xuyên tuyên truyền các cá nhân, điển hình tiêu biểu trong học và làm theo Bác; đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin, tư liệu về các điển hình để viết bài tuyên truyền, từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 2 năm qua, toàn huyện có gần 400 tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác trên các lĩnh vực. Mỗi tập thể, cá nhân điển hình với việc làm cụ thể trong thời gian qua đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp huyện vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chị Phạm Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Thái Phúc (người mặc áo xanh trắng) cùng chị em phụ nữ thôn Phúc Trung phân loại rác để bán gây quỹ hội.