Độc đáo múa dân gian ở Thái Bình
Những năm gần đây, nghệ thuật múa rồng ngày càng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ không chỉ ở các đoàn lân sư rồng mà còn trong cộng đồng dân cư, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống. Trước đây, múa rồng thường diễn ra sau khi kết thúc mùa vụ vất vả với những động tác mô phỏng hoạt động của con người chống lại lực lượng siêu nhiên để bảo vệ mùa màng tươi tốt. Ngày nay, múa rồng còn thể hiện ước mơ của con người về làm ăn phát đạt, khấm khá, thịnh vượng, hạnh phúc và hanh thông. Với những biến đổi muôn màu của cuộc sống, người dân ngày càng phát huy sức sáng tạo trong việc phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này. Trong tiếng chiêng trống rộn ràng, một điệu múa rồng bao gồm nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc…
Ông Bùi Tấn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Tại ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh năm nay, đội múa rồng xã Bình Định vinh dự đại diện huyện Kiến Xương tham gia biểu diễn. Tiết mục múa rồng dân gian của chúng tôi đến từ miền quê sông nước, đã duy trì qua nhiều đời, luôn diễn ra trong mỗi sự kiện văn hóa, lễ hội của địa phương để phục vụ cho nhân dân và du khách. Thông qua điệu múa này gửi gắm nét đẹp văn hóa truyền thống, khát vọng vươn lên khắc phục mọi khó khăn để cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Là một trong những đoàn tham gia giải lân sư rồng tỉnh năm 2024, anh Nguyễn Văn Hưng, Trưởng đoàn lân sư rồng Hưng Nghĩa Đường (thành phố Thái Bình) cho biết: Đoàn chúng tôi có 3 tiết mục là trống hội, múa rồng và lân leo cột. Trong đó, tâm đắc nhất là múa rồng vì năm nay năm rồng nên chúng tôi đầu tư nhiều tâm huyết để cống hiến cho khán giả những phần thể hiện đẹp mắt nhất. Anh em trong đoàn múa rất khỏe và đẹp, khán giả rất vui vẻ, hào hứng, cổ vũ cho đoàn là điều hạnh phúc nhất của tôi. Mong sao năm nào tỉnh Thái Bình cũng tổ chức những giải lân sư rồng để các đoàn nghệ thuật đường phố ở trong và ngoài tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ của bản thân và lan tỏa loại hình nghệ thuật này để ngày càng có thêm nhiều người trẻ tham gia gìn giữ.
Không chỉ ở múa rồng mà đối với nhiều điệu múa cổ, mang tính đặc trưng, gắn liền với lễ hội truyền thống của một làng, xã, hiện nay ngày càng có nhiều người trẻ tham gia gìn giữ.
Huyện Quỳnh Phụ hiện là địa phương duy trì nhiều loại hình dân vũ cổ truyền nhất trên địa bàn tỉnh, có những điệu múa cổ thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia biểu diễn. Trong đó, tại lễ hội truyền thống đền Lộng Khê, xã An Khê (Quỳnh Phụ) hiện còn lưu giữ điệu múa cổ Bát Dật có nguồn gốc cung đình gồm 3 trổ, 9 làn điệu. Tương truyền, sau khi dẹp xong giặc ngoại xâm, Hai Bà Trưng cùng các văn võ bá quan mở tiệc khao quân mừng chiến thắng, trong đó có trình diễn các điệu múa cung đình. Ðại tướng quân Lê Ðô, một người con của trang Ðông Lực (nay là làng Hiệp Lực, xã An Khê), có công giúp Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược, được tận mắt chứng kiến điệu múa đã ghi nhớ để về truyền dạy lại cho người dân quê hương mình.
Ngoài múa Bát Dật, huyện Quỳnh Phụ còn là địa phương duy nhất có múa kéo chữ. Tương truyền tục múa này có từ thời nhà Trần, khi Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương và các tướng súy nhà Trần đóng binh ở nơi đây để chống giặc Nguyên Mông đã dùng trò chơi này để luyện binh. Hiện nay chỉ có lễ hội đền La Vân, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) thường xuyên duy trì múa kéo chữ.
Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Trường THCS Quỳnh Hồng chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, việc tập luyện múa kéo chữ đã trở thành hoạt động trải nghiệm giáo dục của học sinh nhà trường. 120 học sinh khối lớp 7 trực tiếp tham gia hoạt động ngoại khóa chủ đề dạy học gắn liền với di sản của địa phương tại đền La Vân đã được các bậc cao niên của làng, ban quản lý di tích trực tiếp hướng dẫn múa kéo chữ. Nhiều em học sinh có ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình đã tham gia múa kéo chữ tại lễ hội truyền thống nên rất háo hức tập luyện, biểu diễn. Mong muốn của các thầy cô nhà trường cũng như nhân dân địa phương là con em quê hương mình hiểu biết, tự hào, kế thừa phát huy những giá trị truyền thống mà cha ông để lại.
Đến với lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư), du khách không khỏi ấn tượng với những điệu múa cổ như múa sênh tiền mõ lộn, múa ếch vồ, múa chèo chải cạn.
Nhiều năm nay tham gia đoàn múa sênh tiền mõ lộn trong lễ hội chùa Keo mùa thu, bà Nguyễn Thị Hương, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư chia sẻ: Trong đoàn rước Đức Thánh vào các ngày 13 – 15/9 âm lịch đều có sự tham gia của đội múa sênh tiền mõ lộn. Là một người con của quê hương làng Keo, rất vinh dự cho tôi khi có cơ duyên được đến với hội chùa, đặc biệt được nối tiếp truyền thống cha ông mình từ xưa đến nay. Các cháu thiếu nhi tham gia múa trong đoàn rước với mong muốn xin trí tuệ minh mẫn, học tập giỏi giang. Năm nào cũng vậy, trước khi lễ hội được tổ chức, tôi tham gia những buổi dạy các cháu biết cách múa, cách nhảy. Từ trước đến nay, người làng Keo cứ truyền lại hết lớp nọ đến lớp kia như thế!
Tại lễ hội chùa Keo, trong khi múa ếch vồ liên quan đến hành trạng của thiền sư Dương Không Lộ thì chèo chải cạn là tiết mục đặc biệt lễ tạ trước Thánh để tưởng nhớ công đức chữa bệnh cho nhà vua của thiền sư. Nghi lễ này tái hiện nhà vua đã cho đoàn người hộ giá chèo thuyền đến rước đức Thánh. Trong đoàn múa ếch vồ và chèo chải cạn, các trai tráng phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, khuôn mặt lúc vui tươi, tự hào, lúc trang nghiêm thể hiện tấm lòng thành kính, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.
Cùng với nghệ thuật hát chèo, múa rối nước, huyện Đông Hưng hiện còn bảo lưu nghệ thuật múa giáo cờ giáo quạt trong lễ hội làng Thượng Liệt, xã Đông Tân, góp phần làm phong phú thêm những nét văn hóa truyền thống độc đáo của quê lúa Thái Bình. Điệu múa này là hình thức múa dân gian tập thể có kết hợp với múa đôi, nội dung diễn tả tâm trạng của công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha. Đội múa gồm 40 - 50 người, là những cô gái trẻ chưa đến tuổi lấy chồng đã được bà thợ dạy múa. Ở một vài lớp múa có thêm ông đọc róng và ông quản trò. Múa giáo cờ, giáo quạt được tổ chức ở trước sân đình Thượng Liệt với khoảng 36 cấp múa.
Nghệ nhân Lại Thị Thiếu - người trực tiếp gìn giữ và truyền dạy điệu múa này chia sẻ: Từ đời trước truyền lại cho chúng tôi, rất mong muốn điệu múa này duy trì, giữ được không để mai một cho nên tôi gần 30 năm nay dạy cho các cháu. Cũng nói với các cháu không ở đâu có điệu múa này nên đời các cụ giữ hơn 600 năm nay được đến đời các bà giữ thì đời các con phải truyền lại cho con, cho cháu.
Trong các điệu múa dân gian còn phải kể đến múa ông Đùng bà Đà ở làng Quang Lang, xã Thụy Hải (Thái Thụy), múa bệt ở làng Vọng Lỗ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ)… Dù mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng tựu chung, với không gian thực hành rộng rãi, gần gũi, múa dân gian là nơi mọi người con của làng được quây quần, đoàn kết, không phân biệt độ tuổi. Tính nhân văn và thẩm mỹ được thể hiện qua lời ca, điệu múa là những giá trị giúp cho các điệu múa cổ có sức sống bền lâu, vượt qua hàng trăm năm với biết bao thăng trầm thời cuộc vẫn còn hiện diện cho tới ngày nay.