• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+

Thái Bình: Nơi hội tụ các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc

Xưa và nay, khi nhắc tới Thái Bình, nhiều người thường nghĩ đến miền quê vẫn từng được tôn vinh là miền quê “sáng rối tối chèo”. Ngoài hai đặc sản chèo và rối nước thì đồng đất Thái Bình còn là nơi hội tụ các loại hình diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa của vùng châu thổ Bắc Bộ cùng những nét riêng của người Thái Bình.

Nhà thờ tổ chèo làng Khuốc là nơi nghệ nhân của làng truyền dạy nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Ảnh tư liệu

Chèo vốn là một loại hình diễn xướng dân gian khá phổ biến ở các địa phương thuộc châu thổ Bắc Bộ, nhưng một vùng đồng bằng sông nước như ở Thái Bình thì nghệ thuật chèo dường như là phổ cập. Từ xa xưa đến nay, cư dân Thái Bình vẫn hằng tự tin là bao giờ Thái Bình hết lúa thì mới mất chèo. Cũng từ một vùng đồng bằng sông nước lại lắm ao, hồ nên Thái Bình đã được coi là “đất chèo” và là “quê hương múa rối nước”.

Cùng với chèo và rối nước còn có thể kể đến nhiều loại hình dân ca, dân vũ từng phổ biến ở nhiều làng quê của Thái Bình, nhất là ở vùng ven sông, ven biển như: hò chèo thuyền đánh cá, với các hình thức hò đơn, hò kép, thuở trước thường phổ biến ở các làng thuộc vùng ven biển huyện Thái Thụy; hát đò đưa, với các lối hát đò đưa bỏ lửng, hát đò đưa đường trường; hát đúm, hát ví, với các lối hát vặt, hát đám, hát tiễn chào, từng phổ biến ở các làng xã nay thuộc các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy; hát ru, với nhiều thể cách khác nhau, từng phổ biến ở khắp các nẻo đồng quê...

Múa dân gian sênh tiền - mõ lộn của huyện Vũ Thư tại ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh năm 2024.

Có khá nhiều làn điệu dân ca mang sắc thái của cư dân lao động trên sông nước đã ảnh hưởng sâu đậm về cả ca từ và nhịp điệu vào lối hát chèo, hát văn, hát ca trù, góp phần làm nên những nét riêng của các loại hình dân ca, dân vũ ở Thái Bình. Chính vì vậy mà đến nay, tuy các hình thức hò chèo thuyền đánh cá, hát đò đưa trên sông nước, hát đúm, hát ví... còn rất hiếm gặp với dân đi thuyền nhưng lại thường vẫn được nghe trong các bài chèo, hoặc trong các bài hát văn, hát ca trù lời cổ thường gặp ở Thái Bình.

Ngoài nghệ thuật chèo mang tính phổ biến, phổ cập ở Thái Bình thì sự phân bố các loại hình diễn xướng dân gian ở từng địa phương trong tỉnh lại có những sắc thái khác nhau. Nhìn về đại thể thì có thể nhận xét là các làng xã thuộc phía Bắc tỉnh thường có các hình thức diễn xướng dân gian đậm đặc hơn, phong phú hơn so với vùng đất phía Nam. Điều này có thể lý giải từ quá trình hình thành đất đai và cư dân sớm, muộn khác nhau. Về cơ bản thì các làng xã ở Thái Bình được hình thành muộn dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, gần như song song với bờ biển hiện tại. Dường như các sắc thái văn hóa, văn nghệ dân gian thường mang dấu ấn vùng miền của từng phủ, huyện xưa. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các làng xã, phủ, huyện đã nhiều lần bị chia ra nhập lại và sắc thái diễn xướng dân gian mang tính đặc trưng từng vùng miền cũng nhạt nhòa dần.

Hưng Hà là vùng đất phía Bắc tỉnh vốn vẫn được xem là một trong những vùng đất có bề dày văn hiến vào bậc nhất. Diện mạo văn hiến của Hưng Hà có thể nhận thấy từ những làng nghề, làng khoa bảng, làng có nhiều người làm quan to trong triều, ngoài trấn qua các thời kỳ lịch sử. Những làng như thế thường nổi trội về diễn xướng dân gian. Trong truyền thống, Hưng Hà từng được biết đến với những làng chèo, làng ca trù, hát văn và các hình thức hát dân ca như hát ru, hát đúm. Tác phẩm “Tiên Hưng phủ chí” của Phạm Nguyên Hợp viết năm Mậu Thìn (1928) xác định ca hát là một nghề ở phủ Tiên Hưng và đã kê biên những thôn làng có phường hát: “Huyện Duyên Hà có xã Vĩnh Truyền, xã Hiến Nạp, xã Tuy Lai, xã Cổ Trai, xã Trần Xá, xã Đôn Nông, xã Hậu Tái, xã Thanh Cách, xã Đồng Tu, trang Ngọc, xã Đình Ngọ. Huyện Hưng Nhân có xã Phương La, xã Hà Nguyên, xã Nham Lang, xã Thanh Nga, xã Thọ Khê, xã Bùi Xá, xã Phúc Hải, xã Hòa Chiếu, xã Quan Hà”.

Quỳnh Phụ vốn là hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực sáp nhập lại. Huyện Phụ Dực (cũ) vào thời Lý - Trần có tên Phụ Phượng từng được dân gian trong vùng châu thổ sông Hồng lưu truyền rộng rãi qua câu ca: “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào, Phụ Phượng tứ cố cảnh”. Trong “tứ cố cảnh” này thì Đào Động là làng có nghề hát chầu văn truyền đời, Lộng Khê là chủ nhân của tục múa bát dật, Tô Đê, A Sào vốn có nhiều trò diễn xướng dân gian trong hội làng. Nhiều làng ở Quỳnh Phụ nổi tiếng với tục múa kéo chữ như Phụng Công, La Vân, Tài Giá, A Sào... Làng Vọng Lỗ với tục múa bệt độc đáo được cả vùng sùng tín. Nghệ thuật tuồng ở An Vũ cũng từng nổi danh trong những thập niên đầu thế kỷ XX.

Nếu như Thái Bình có hai đặc sản nổi tiếng là chèo và rối nước thì huyện Đông Hưng là nơi có nhiều làng chèo nổi tiếng, trong đó có chèo Khuốc và Đông Hưng cũng là huyện duy nhất của Thái Bình có nghề múa rối nước. Các thế hệ cư dân ở nhiều làng cổ thuộc huyện Tiên Hưng (cũ) vẫn từng tự hào về hội làng mình có các trò vui “diều sáo, pháo đất, trò nhời”. Cho đến nay, tục thi pháo đất vẫn được duy trì ở một số làng, tục thi diều sáo và thi hát trò nhời dường như đã bị mai một hẳn. Ở huyện Đông Quan (cũ) đến nay còn duy trì được khá nhiều tục múa trong hội làng như múa rồng, múa phượng, độc đáo nhất là làng Thượng Liệt truyền đời sở hữu tục múa giáo cờ giáo quạt trong lễ thức hội làng.

Thái Thụy là huyện ven biển, thuở trước là một vùng dân ca đặc sắc của cư dân sông nước với các lối hát ví, hát đối, hò chèo thuyền. Cùng là đồng đất ven biển nhưng hội làng trong huyện Thái Ninh (cũ) thường có nhiều tục đua tài, giải trí mang tính thượng võ như vật đô, vật cầu, còn huyện Thụy Anh (cũ) lại nổi tiếng với những làng chèo cùng tục hát văn ở hội đền Thuận Nghĩa, đền Hệ và đặc biệt hơn cả là tục múa ông Đùng bà Đà ở hội đền Quang Lang mang đậm sắc thái tín ngưỡng từ thuở sơ khai nguyên thủy.

Huyện Vũ Thư vốn là một miền quê phát đạt về văn chương khoa bảng, đồng thời cũng là nơi có những hội làng từng có sức cuốn hút khách trảy hội tứ xứ tìm về. Hội chùa Keo là một hội làng lớn, có nhiều trò chơi trò diễn dân gian, trò đua tài thi khéo vào bậc nhất ở khu vực châu thổ sông Hồng. Ngoài các trò chơi, trò đua tài thi khéo mang đậm sắc thái cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng thì trong sự lệ của hội chùa Keo còn có các trò diễn mô phỏng sự tích của thiền sư Không Lộ, được duy trì trong đám rước và múa ếch vồ, múa chèo chải cạn... Vũ Thư cũng là quê hương của nhiều làng chèo, trong đó có chèo Sáo Đền với những gánh chèo từng đi hành nghề nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Đến những hội làng ở Vũ Thư, khách trảy hội không chỉ được “tắm chèo” mà còn được hóa thân vào nhiều trò diễn xướng dân gian khác.

Trong truyền thống, Kiến Xương là vùng đất có nhiều hội làng lớn, trong đó hội đền Đồng Xâm có tục chầu cử cuốn hút nhiều ca nương, kép đàn của các giáo phường ca trù từ nhiều vùng miền về hát chầu Thánh và tế tổ nghề. Hội đình Lại Trì từng đi vào câu ca: “Nhất vui là hội Lại Trì/ Tối thì xem hát, sáng thì xem bơi”. Hội đền Mộ Đạo ở ven sông Hồng là một trong những trung tâm hầu bóng hát văn của phủ Kiến Xương thuở trước. Các làng chèo trong tổng Đường Thâm, giáo phường ca trù Dương Liễu... từng đã sản sinh ra các thế hệ nghệ nhân thành danh ở nhiều thời đại.

Tiền Hải là huyện mới được thành lập từ năm 1828. So với các huyện khác của Thái Bình thì Tiền Hải dường như ít có các loại hình diễn xướng dân gian được coi là thương hiệu của mỗi làng. Khi làng vào đám thì thường có các trò thi tài mang tính thượng võ như đua chải, đi kheo, vật võ, ngoài ra cũng có hát, diễn chèo mang tính “cây nhà lá vườn”. Các làng ven biển Tiền Hải thường có tục hát chầu văn ở các đền thờ Mẫu hoặc thờ Đức Thánh Trần. Một số làng trong huyện trước đây cũng có hát ca trù nhưng đến nay không duy trì được.
Thành phố Thái Bình là nơi đặt tỉnh lỵ từ khi thành lập tỉnh. Sau hơn 130 năm, ngày càng được mở rộng thêm nhưng dường như các loại hình diễn xướng dân gian mang dấu ấn riêng của thành phố không thật sự tiêu biểu.

Trong tiến trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở Thái Bình đang đòi hỏi cần có những bước đi, cách làm thích hợp để bảo tồn những giá trị đích thực của các loại hình diễn xướng dân gian mà các thế hệ cha ông ta đã tạo dựng.


Tác giả: Theo Baothaibinh.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Năm 2024

Năm 2023

Năm 2022

Năm 2019

Năm 2017

Năm 2016

Bản đồ hành chính

Diện tích: 1.586,3 Km2

Dân số: 1.860.447 người

 
 
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.885
Hôm qua : 9.302
Bài viết được quan tâm