Thái Bình: Tập trung các biện pháp phòng, chống lũ và ngập úng
Trong những ngày qua, các đơn vị, địa phương đã tập trung cao độ cho việc tiêu thoát nước, bảo vệ lúa mùa và rau màu. Đến 17 giờ ngày 9/9, diện tích lúa bị ngập giảm còn khoảng 5.000ha. Tuy nhiên, trong đêm ngày 9 và rạng sáng ngày 10/9, do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài với lượng mưa trung bình đo được (từ 22 giờ ngày 9/9 đến 7 giờ ngày 10/9) là khoảng trên 100mm, nơi cao như xã Tân Hòa (Vũ Thư) 214mm khiến nhiều diện tích lúa, rau màu bị ngập trở lại.
Các trạm bơm tiêu đang vận hành hết công suất. Ảnh: Ngân Huyền
Hiện nay, công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình đã vận hành 23/23 trạm bơm tiêu qua đê với tổng cộng 177 máy, tổng công suất trên 620.000m3/giờ. Ngoài ra, một số trạm bơm tiêu nội đồng cũng được vận hành bổ sung để bảo đảm tiêu úng phục vụ sản xuất. Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn. Lượng mưa cả đợt phổ biển từ 100 - 200mm. Mưa lớn kéo dài cùng với các hồ thủy điện xả lũ đã làm mực nước trên các sông dâng cao, gây khó khăn cho việc tiêu úng, đặc biệt là tiêu tự chảy. Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình tiếp tục cập nhật tình hình, phân công lực lượng trực 24/24 tại các cống, trạm bơm tiêu để vận hành tối đa, khẩn trương hạ thấp mực nước nội đồng bảo vệ cây trồng.
Nhiều diện tích lúa ngập trở lại sau trận mưa đêm ngày 9/9. Ảnh: Ngân Huyền
Thành phố
Sáng ngày 10/9, UBND thành phố họp triển khai phương án đề phòng ngập úng đô thị do mưa lũ. Sau khi nghe các địa phương báo cáo nhanh, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các phường, ban, đơn vị, địa phương chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân không được chủ quan lơ là về tình trạng lũ và ngập úng khi có mưa lớn. Chủ động rà soát, kiểm tra gần 22km đê trên địa bàn thành phố, nhất là tại các vị trí xung yếu phường phường Hoàng Diệu, xã Vũ Đông, xã Tân Bình. Tổ chức di dời người dân đang ở những nhà trọ, nhà ở, nhà tập thể cao tầng xuống cấp thuộc phường Đề Thám, Quang Trung, Trần Lãm; các hộ dân ngoài bãi đê Nhất Thanh, phường Kỳ Bá, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác đê theo lệnh báo động. Thực hiện tốt phương án hậu cần, chuẩn bị các điều kiện khi lũ về có phương án tiếp vận cho nhân dân.
Lãnh đạo UBND thành phố kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại sông Trà Lý. Ảnh: Minh NguyệtCác lực lượng chức năng phường Kỳ Bá hỗ trợ di dời tài sản cho các hộ dân ngoài đê Nhất Thanh. Ảnh: Minh Nguyệt
Do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn khu vực miền núi phía Bắc, các hồ thủy điện xả lũ nên mực nước sông Trà Lý tiếp tục lên mức báo động III và còn diễn biến phức tạp cộng với lượng mưa lớn rạng sáng ngày 10/9 trên địa bàn thành phố, gây ngập úng cục bộ tại một số tuyến phố, khu đô thị, khu dân cư. Ngay trong sáng ngày 10/9, thành phố đã hoàn thành việc di dời 57 hộ gia đình, cá nhân ở ngoài bãi đê Nhất Thanh, phường Kỳ Bá vào nơi tránh trú an toàn.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều tối ngày 10/9, UBND thành phố tiếp tục họp khẩn chỉ đạo các biện pháp bảo vệ, giữ vững gần 22 km đê điều. Đến 18 giờ, thành phố cơ bản hoàn thành việc di dân.
Lãnh đạo thành phố phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Nguyệt
Tiền Hải
Đêm ngày 9 và rạng sáng ngày 10/9, trên địa bàn huyện Tiền Hải xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa 130mm. Mưa lớn đã gây ra ngập úng khoảng 400ha lúa ở các xã: Đông Hoàng, Đông Long, Tây Ninh, Vân Trường, An Ninh... Đến thời điểm hiện tại các trọng điểm công trình đê, kè, cống phục vụ PCTT trên địa bàn huyện vẫn bảo đảm an toàn.
Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện vận hành mở cống Bồng He (Nam Hồng) để tiêu thoát nước. Ảnh: Trần Tuấn
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện mở tất cả các cống tiêu, trong đó đã mở 26 cống dưới đê biển, đê sông Hồng, đê sông Trà Lý; phối hợp với UBND các xã, thị trấn, HTX SXKD DVNN thường trực nhân lực 24/24 chủ động tiêu nước; tổ chức giải phóng dòng chảy trên các tuyến sông trục; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước, khi lũ trên sông lên nhanh không tiêu được phải khẩn trương đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ theo quy định.
Mực nước sông Trà Lý, tại vị trí chân cầu Trà Lý (Tây Lương) đang dâng cao. Ảnh: Trần Tuấn
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cũng chỉ đạo các xã ven sông, ven biển cử lực lượng quản lý đê nhân dân tuần tra, canh gác ngày, đêm đê điều theo lệnh báo động II trên sông; tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè cống do lũ gây ra, đặc biệt là những trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ”. Yêu cầu các địa phương rà soát việc chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện sẵn sàng xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu; khẩn trương triển khai phương án bảo vệ an toàn cho người dân sinh sống ngoài đê quốc gia. Đối với các tuyến đê bối xét thấy khả năng không an toàn phải chủ động cho nước vào để đề phòng vỡ đột ngột gây thiệt hại về người và tài sản sau khi đã di dời người và tài sản vào trong đê chính..
Diện tích lúa tại xã Bắc Hải bị ngập úng. Ảnh: Trần Tuấn
Thái Thụy
Thái Thụy có 87,3km đê thuộc địa bàn 20 xã, thị trấn; trong đó có 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông, 31,1km đê biển. Hiện, huyện có 4 trọng điểm xung yếu là kè Thuyền Quan vị trí Km43+700- Km44+750 đê tả sông Trà Lý địa phận xã Sơn Hà; kè Phúc Tân vị trí Km48+700- Km49 đê tả sông Trà Lý địa phận xã Thái Phúc; đê Thụy Quỳnh vị trí Km0+600- Km2 đê cửa sông Hữu Hóa địa phận xã Thụy Quỳnh; kè Hà My vị trí Km2+ Km2+850 đê cửa sông Diêm Hộ địa phận xã Thái Nguyên. Sau cơn bão số 3, các công trình đê điều vẫn ổn định, chưa phát hiện diễn biến, sự cố lớn; riêng đối với các trọng điểm xung yếu tuy đã có diễn biến bất lợi, song vẫn an toàn.
Các xã, thị trấn chuẩn bị tốt vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng huy động cho các điểm xung yếu. Ảnh: Nguyễn Thắm
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Thái Nguyên kiểm tra kè Hà My vị trí Km2+ Km2+850 đê cửa sông Diêm Hộ. Ảnh: Nguyễn Thắm
Hiện mực nước sông Trà Lý đã vượt báo động III, sẵn sàng ứng phó với thiên tai Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện yêu cầu 10 cụm PCTT chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị tốt vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng huy động cho các điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; Hạt Quản lý đê điều bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều, các trọng điểm xung yếu; các xã, thị trấn xây dựng phương án chi tiết, đặc biệt là công tác di dân, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; thực hiện nghiêm chế độ thường trực (trực chỉ huy, trực ban, trực thông tin, cảnh báo…). Khắc phục thiệt hại ban đầu sau bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đang nỗ lực tập trung tiêu úng trong sản xuất nông nghiệp, mực nước mặt ruộng đã hạ thấp khoảng trên 20cm so với ngày 7/9.
Hưng Hà
Huyện Hưng Hà hiện có 3 tuyến đê chính với tổng chiều dài 40,1km, gồm: đê Tả Hồng Hà I là đê cấp II, dài 17km trong đó có 10 tuyến kè, 2 cống qua đê; đê Tả Trà Lý là đê cấp III, dài 6,6km, trong đó có 3 tuyến kè và 2 cống qua đê; đê Hữu Luộc là đê cấp III, dài 16,5km, trong đó có 4 tuyến kè, 4 cống qua đê.
Trên 600 người dân sống khu vực ngoài đê ở huyện Hưng Hà đã được di dời. Ảnh: Thanh Thủy
Hiện tại mực nước báo động số III trên sông Trà Lý, báo động số II trên sông Hồng và sông Luộc, tại trạm Tiến Đức mực nước 5,66m (vượt báo động II 0,06m), dự báo mức nước sông tiếp tục tăng nhanh, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi bồi ven sông, sạt lở đất, đê kè xung yếu, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2, cấp 3. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra, huyện Hưng Hà yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức tuần tra, canh gác ngày, đêm đê điều; phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "4 tại chỗ"; “3 sẵn sàng”; thả phai dự phòng ở tất cả các cống dưới đê có mực nước sông lớn hơn mực nước đồng; đối với các cống đang tiêu nước tự chảy Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thường trực 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước, khi mực nước lũ trên sông lên nhanh không tiêu được phải khẩn trương đóng cống và thả phai dự phòng, đồng thời thực hiện nghiêm quy chế đóng, mở cống dưới đê theo quy định; xây dựng phương án bố trí các lực lượng ứng trực 100% quân số; huy động tối đa nhân lực, phương tiện phòng, chống lũ, ngập úng, khơi thông dòng chảy để bảo vệ lúa mùa, cây màu; sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Các địa phương khẩn trương di dời trên 600 hộ dân khu vực ngoài đê, các hộ dân có nhà ở xuống cấp, nhà tạm và người nuôi cá lồng vào nơi an toàn.
Xã Điệp Nông tổ chức cắm vè ở kè xung yếu tại thôn Việt Yên. Ảnh: Thanh ThủyMực nước trên sông Hồng thuộc địa phận xã Hồng Minh. Ảnh: Thanh Thủy
Ngoài ra, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn chuẩn bị 30 ô tô tải, 24 xe ô tô khách, 2 xe cẩu sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; chuẩn bị 800 cây tre cắm vè để theo dõi diễn biến sạt lở ở những khu vực có kè và bãi ven sông đã bị sạt lở khi có lũ. Đồng thời, giao các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, riêng các xã: Tiến Đức, Hồng An, Tân Lễ, Điệp Nông, Hồng Minh chuẩn bị vị trí lấy đất, bao tải để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lũ gây ra.
Đông Hưng
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đêm qua và rạng sáng ngày 10/9 trên địa bàn huyện Đông Hưng có mưa lớn kéo dài khiến diện tích lúa bị đổ bẹp tăng từ 200ha lên 500ha, 100ha rau màu bị thiệt hại; trên 5.650 con gia cầm, 38 con lợn bị thiệt hại; trên 80 ha nuôi thủy sản bị ngập.
Hạt Quản lý đê điều huyện chủ động vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Ảnh: Thu Hiền
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị và nhân dân tiếp tục khẩn trương thực hiên các biện pháp khắc phục thiệt hại sau bão, ứng phó với mưa lớn và lũ trên sông Trà Lý. Các xã duyên giang chủ động tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác đê ngày, đêm theo lệnh báo động số III trên sông Trà Lý. Các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "4 tại chỗ".
Nông dân xã Hồng Bạch buộc dựng lúa đổ. Ảnh: Thu HiềnThanh niên tham gia khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Thu Hiền
Chủ động chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu; không để diễn biến phức tạp dẫn đến khó xử lý có thể dẫn đến vỡ đê. Thực hiện cấm các đò ngang sông Trà Lý hoạt động từ 11 giờ 00 phút ngày 10/9/2024. Các đơn vị thủy nông thường trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, khi mực nước lũ trên sông lên nhanh không tiêu được sẽ khẩn trương đóng cống và thả phai dự phòng, đồng thời thực hiện nghiêm quy chế đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ theo quy định. Các lực lượng vũ trang trong huyện sẵn sàng huy động cán bộ, chiến sĩ xuống địa phương hỗ trợ chính quyền và nhân dân chống lũ và hộ đê.
Kiến Xương
Theo báo cáo sơ bộ của huyện Kiến Xương, do ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là trận mưa đêm ngày 9/9 và sáng ngày 10/9, toàn huyện đã có khoảng 6.500ha lúa mùa bị ngập đòng, khoảng 1.000ha lúa bị thiệt hại, thiệt hại 360ha cây rau màu, gần 2.500 gia cầm bị chết, khoảng 130ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, một số đoạn bờ bao đê bị sạt, lún, kênh mương bị đổ.
Đặc biệt vào khoảng 9 giờ sáng ngày 10/9 đã xảy ra sự cố nước tràn bờ bao tại xã Vũ Hòa. Đây là đoạn có chiều dài 1,4km, mặc dù trước bão số 3 xã đã tập trung xử lý, tu bổ hơn 20m chỗ xung yếu tuy nhiên trước áp lực của mực nước và triều cường dâng cao nên sự cố vẫn xảy ra.
Xã Vũ Bình xử lý các lỗ rò rỉ, gia cố chống tràn đê bao. Ảnh: Thu Thủy
Lúa mùa xã Vũ Ninh bị ngập do mưa lớn. Ảnh: Thu Thủy
Huyện Kiến Xương đã chỉ đạo vận hành tất cả các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất 24/24 giờ. Tập trung tiêu nước kênh Kiến Giang qua cống Cửa Lân và các cống qua đê. Yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện, các công nhân vận hành các trạm bơm trực 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, bảo đảm nỗ lực tiêu thoát nước nhanh nhất. Tiếp tục chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra. Yêu cầu các thành viên ban chỉ huy PCTT và TKCN và toàn bộ cán bộ kỹ thuật thường trực ở vị trí, địa bàn được phân công để kịp thời tham mưu, xử lý sự cố hiệu quả. Yêu cầu các lực lượng tuần tra canh gác ngày đêm trên các triền đê, tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, nhất là đối với các trọng điểm xung yếu. Đối với sự cố nước tràn bờ bao tại xã Vũ Hòa, ngay khi nhận được tin, các lực lượng chức năng đã kịp thời di dời toàn bộ người dân đến nơi an toàn; tiếp tục gia cố lại đoạn bị tràn, tập trung khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ", do đó đến thời điểm này chỉ có một trang trại bị thiệt hại về con vật nuôi, chưa có thiệt hại về người.
Lực lượng vũ trang tỉnh
Ngày 10/9, gần 300 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Quỳnh Phụ, Kiến Xương đang tích cực tham gia xử lý mạch sủi, gia cố đê bối sông Hóa thuộc địa phận xã An Thanh (Quỳnh Phụ) và đê sông Hồng, thuộc địa phận xã Minh Tân (Kiến Xương).
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Quỳnh Phụ cùng các lực lượng đóng bao cát để gia cố đê. Ảnh: Văn Dũng (Bộ CHQS tỉnh)
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Quỳnh Phụ cùng phương tiện máy móc xử lý sự cố đê bối thuộc địa phận xã An Thanh. Ảnh: Văn Dũng (Bộ CHQS tỉnh)
Tại khu vực đê bối sông Hóa thuộc địa phận xã An Thanh từ 11h đến 15h30, gần 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ (DQTV) đã tích cực, khẩn trương dùng cọc tre, bao cát đắp cao 0,5m để gia cố trên 300m đê có nguy cơ bị ngập tràn; trước đó LLVT huyện Quỳnh Phụ cũng đã phối hợp với các lực lượng, di dời trên 20 hộ dân cùng hàng trăm gia súc, gia cầm đến nơi tránh trú an toàn.
Cùng thời điểm này gần 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, DQTV, dự bị động viên huyện Kiến Xương đã tích cực dùng hàng trăm bao cát, cọc tre… xử lý gần 100m đê có nguy cơ ngập tràn thuộc địa phận xã Minh Tân.
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, mực nước các sông báo động 3 Bộ CHQS tỉnh ra công điện chỉ đạo LLVT các huyện, thành phố tiếp tục ứng trực 24/24, kịp thời tham gia xử lý khi có tình huống.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Kiến Xương tham gia xử lý sự cố đê thuộc xã Minh Tân. Ảnh: Văn Dũng (Bộ CHQS tỉnh)
Các cơ sở giáo dục
Sáng ngày 10/9, mưa lớn kéo dài suốt đêm đã khiến cho nhiều khu vực bị ngập. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều cơ sở giáo dục đã linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh.
Theo ghi nhận, tại xã Bách Thuận (Vũ Thư), do mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ, thoát nước chậm, gây ngập úng khiến việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã đã cho học sinh nghỉ học và lên kế hoạch tổ chức học bù vào thời điểm thích hợp.
Một điểm học của Trường Mầm non Vũ Vân (Vũ Thư) đã liên hệ với phụ huynh yêu cầu đón trẻ sớm do nước lũ dâng cao.
Trường Tiểu học Nam Trung (Tiền Hải) bảo đảm an toàn tuyệt đối khi học sinh đến trường. Ảnh: Đặng Anh
Tại huyện Tiền Hải, các trường học của xã Nam Trung và xã Đông Lâm bị ngập, để tạo điều kiện cho phụ huynh đi làm, các cơ sở giáo dục đã thay đổi thời gian vào học từ 7 giờ thành 8 giờ để chờ nước rút.
Tại thành phố Thái Bình, trước tình hình ngập lụt nhiều học sinh không thể ra khỏi nhà để đến trường, Trường THPT Chuyên cho học sinh nghỉ học vào sáng ngày 10/9; hầu hết các trường học THCS và THPT chưa tổ chức học buổi chiều. Đối với các vùng không xảy ra ngập lụt, hoạt động giáo dục vẫn diễn ra theo kế hoạch.
Trường Tiểu học Nam Trung (Tiền Hải) bị ngập do mưa lớn.
Hiện các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng phương án, sẵn sàng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, tùy thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị để duy trì linh hoạt hình thức tổ chức dạy học, bảo đảm an toàn cho học sinh và không ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học.