Bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế gắn với cách tiếp cận đánh giá chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Sáng ngày 17/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến 3 cấp tới 269 điểm cầu trong toàn tỉnh bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế gắn với cách tiếp cận đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Dự hội nghị tại điểm cầu trực tiếp Trung tâm Hội nghị tỉnh có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, huyện, thành phố.
Sáng ngày 17/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến 3 cấp tới 269 điểm cầu trong toàn tỉnh bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế gắn với cách tiếp cận đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Dự hội nghị tại điểm cầu trực tiếp Trung tâm Hội nghị tỉnh có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, huyện, thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng bởi trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh rất quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PAR INDEX như ban hành các nghị quyết, chỉ thị cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Thái Bình; chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả từ công tác cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng đến tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhờ đó, chỉ số PCI của Thái Bình đã được cải thiện tích cực qua từng năm. Tuy nhiên, năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh có sự sụt giảm, chính vì thế đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu sắp xếp thời gian, tập trung lắng nghe và ghi chép đầy đủ những nội dung quan trọng được truyền đạt tại hội nghị; chủ động trao đổi với giảng viên những vấn đề còn chưa rõ; xác định rõ những nội dung, công việc đã thực hiện được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, chưa thực hiện trên cơ sở đó đề ra các giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện góp phần nâng cao chỉ số PCI và PAR INDEX của tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí cũng đề nghị đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) phân tích tỉ mỉ, chỉ ra những việc cần làm, cần khắc phục của các cấp, ngành, địa phương trong việc cải thiện chỉ số PAR INDEX và PCI đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm, cách làm hay trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố.
Đại biểu dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giới thiệu các vấn đề về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng chí Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) giới thiệu nội dung chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và các vấn đề về cải cách hành chính; phân tích, làm rõ hơn về những hạn chế cần khắc phục để cải thiện chỉ số PCI, PAR INDEX của tỉnh như: thu hút vốn FDI còn khá khiêm tốn so với tiềm năng; lực lượng lao động khá dồi dào nhưng cần chú trọng nâng cao chất lượng; cảm nhận rủi ro về đất đai của doanh nghiệp đang gia tăng và có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp gặp khó khăn khi mở rộng mặt bằng kinh doanh; sự rắc rối của thủ tục hành chính về đất đai gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; gánh nặng về thanh tra, kiểm tra đặc biệt là thanh tra xây dựng và phòng cháy, chữa cháy; nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chưa hài lòng với các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại tỉnh; chưa có các sáng kiến hoặc giải pháp mới, cách làm mới trong cải cách hành chính; vẫn còn tình trạng chậm công bố, công khai, cập nhật thủ tục hành chính, vẫn còn trễ hẹn và người dân vẫn phải đi lại nhiều lần giải quyết thủ tục hành chính; tình trạng cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra; tỷ lệ kết nối chế độ báo cáo của UBND tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vẫn có điểm nghẽn, khúc mắc....
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế đó, đồng chí Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cũng khuyến nghị các giải pháp đồng thời chia sẻ một số ý tưởng cải thiện chỉ số PCI, PAR INDEX cấp tỉnh.