• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022: Thái Bình tăng 19 bậc so với năm 2021

Sáng ngày 31/5/2023, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện năm 2022 và đề xuất một số giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); kế hoạch triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).

 

Sáng ngày 31/5/2023, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện năm 2022 và đề xuất một số giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); kế hoạch triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, năm 2022, PCI của Thái Bình đạt 65,78 điểm, tăng 19 bậc và tăng 3,47 điểm so với năm 2021, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, Thái Bình có 6 chỉ số có mức điểm đánh giá tăng so với năm 2021 đó là: gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tính năng động, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý .Đáng chú ý, có một số chỉ số thành phần đạt thứ hạng cao như: thiết chế pháp lý đạt 8,5 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc; tính năng động đạt 7,2 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc; đào tạo lao động đạt 6,29 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc. Đặc biệt, Thái Bình đã được xếp vào top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022. 2 chỉ số giảm điểm nhưng tăng thứ hạng gồm: chi phí thời gian; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. 2 chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng gồm: tính minh bạch và cạnh tranh bình đẳng.

Đồng chí Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại cuộc họp

Cũng theo đánh giá, Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI của Thái Bình đạt 15,95 điểm, xếp hạng 12/63 tỉnh thành phố. Đối với Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh năm 2022 đạt 83,13%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc so với năm 2021. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh đạt 84,12%, xếp thứ 43/63 tỉnh thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thái Bình đạt 43,5 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh thành phố, giảm 5 bậc so với năm 2021.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung đánh giá làm rõ nguyên nhân tăng, giảm chỉ số PCI, PAR INDEX, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, PAR INDEX trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều sự quan tâm, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số PCI, PAR INDEX. Đồng chí biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành, đơn vị, huyện, thành phố đã có đóng góp tích cực vào sự tăng hạng của chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, huyện, thành phố về trách nhiệm trong thực hiện các chỉ số PCI, PAR INDEX; tăng cường cải cách hành chính bằng những việc làm cụ thể; tăng cường tính công khai, minh bạch và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về cung cấp thông tin, thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; tích cực thực hiện chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện gặp gỡ, tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao Trung tâm Hỗ trợ, Xúc tiến đầu tư và Phát triển tỉnh tham mưu việc gắn trách nhiệm của từng sở, ngành với từng thành tố trong từng chỉ số thành phần của PCI; giao Văn phòng UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, Sở Nội vụ tham mưu các giải pháp nâng cao chỉ số PAR INDEX gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành, huyện, thành phố trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh báo cáo kế hoạch triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).

Theo đó, việc triển khai khảo sát bộ chỉ số DDCI năm 2023 được thực hiện 100% thông qua hình thức online trên nền tảng phần mềm tích hợp cổng thông tin DDCI tỉnh; quy mô khảo sát là 3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có phát sinh và tiếp xúc dịch vụ hành chính công với các sở, ngành, huyện, thành phố tính từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2023 do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện, thành phố và các sở, ban, ngành cung cấp.Trong đó sẽ đánh giá 25 sở ngành của tỉnh và 8 huyện, thành phố.

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh báo cáo kế hoạch triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI)

Về lộ trình thực hiện, phấn đấu truyền thông, tập huấn, tổ chức triển khai khảo sát hoàn thành trước ngày 15/8; phân tích số liệu, xây dựng báo cáo trình UBND tỉnh hoàn thành trước ngày 15/9 và tổ chức hội nghị công bố kết quả xếp hạng DDCI hoàn thành trước ngày 30/9.

Về nội dung triển khai đánh giá DDCI, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Triển khai đánh giá DDCI là việc làm hết sức quan trọng bởi đây công cụ giúp lãnh đạo tỉnh nhận xét, đánh giá, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; là cơ sở, căn cứ đánh giá, phân loại cán bộ; giúp hỗ trợ nâng cao thứ hạng chỉ số PCI; đồng thời nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các sở, ngành, huyện, thành phố. 

Đồng chí đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đơn vị tư vấn tiếp tục triển khai đánh giá DDCI năm 2023 bảo đảm khách quan, minh bạch, đầy đủ, chính xác, đúng thời gian với phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai thực hiện công tác đánh giá; làm tốt công tác tập huấn và truyền thông, giao Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đơn vị tư vấn trên cơ sở đó tổ chức truyền thông kịp thời việc triển khai đánh giá chỉ số DDCI cũng như các hội nghị tập huấn tại các huyện, thành phố; Giao Sở Nội vụ giám sát quá trình thực hiện cũng như chấm điểm, đánh giá bộ chỉ số DDCI năm 2023.


Tác giả: Hà Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Năm 2023

Bản đồ hành chính

Diện tích: 1.586,3 Km2

Dân số: 1.860.447 người

 
 
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.536
Hôm qua : 19.921
Bài viết được quan tâm