Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được thương hiệu gạo mang tên Thái Bình
Sáng ngày 16/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề “Phát triển sản xuất lúa gạo tỉnh Thái Bình”. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt dự hội nghị.
Sáng ngày 16/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề “Phát triển sản xuất lúa gạo tỉnh Thái Bình”. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt dự hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Thái Bình là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng với diện tích gieo trồng hàng năm gần 150.000ha, năng suất ổn định từ 131 - 132 tạ/ha/năm, sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm. Toàn tỉnh đã thành lập mới được 8 HTX kinh doanh nông sản, có hơn 1.300 nông dân tập trung tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trong đó diện tích tích tụ quy mô từ 2ha trở lên đạt trên 4.800ha. Hiện tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 thương hiệu gạo như: gạo làng Giắng, gạo Nếp Keo, gạo Chợ Gốc, gạo 3T… tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu gạo chung cho tỉnh. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ diện tích lúa có liên kết sản xuất đạt 30 - 40%, tương đương khoảng 50.000 - 60.000ha; diện tích lúa chất lượng cao đạt 50 - 60%; xây dựng được thương hiệu gạo mang tên Thái Bình…
Đại biểu dự hội nghị.
Đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã thảo luận làm rõ thực trạng, những khó khăn, thách thức đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế hỗ trợ nhằm tạo chuyển biến trong sản xuất lúa gạo.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trên cơ sở phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nông nghiệp tiếp tục là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng, bệ đỡ cho phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh; trong đó, sản xuất lúa gạo là nhiệm vụ trọng yếu. Là tỉnh có lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, Thái Bình luôn chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu, nâng cấp giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Trong điều kiện diện tích, năng suất lúa của tỉnh gần như tiệm cận với các điều kiện phát triển, vấn đề thương hiệu, chất lượng được xem là công cụ đột phá mới nhằm tăng giá trị sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Quan điểm phát triển ngành lúa gạo của tỉnh thời gian tới sẽ tập trung nâng cao giá trị hạt lúa trên một đơn vị diện tích sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường nội địa và xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường và quy trình canh tác chuẩn quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại hội nghị.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành quan tâm một cách thực chất, đầy đủ hơn đến sản xuất nông nghiệp; các doanh nghiệp, hộ tích tụ ruộng đất với tâm huyết, khát vọng đưa sản xuất lúa gạo của Thái Bình phát triển cần liên kết, bằng những việc làm cụ thể, trách nhiệm đề xuất, tham mưu các giải pháp nhằm tạo đổi thay căn bản cho sản xuất lúa gạo với mục tiêu tạo đột phá, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và thu nhập cho nông dân, từng bước đưa Thái Bình là tỉnh dẫn đầu trong sản xuất lúa gạo của cả nước.