Báo cáo chính trị - Văn kiện trung tâm của Đại hội
Để Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX thành công, một trong những nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy coi trọng là xây dựng, bảo đảm chất lượng dự thảo Báo cáo chính trị nhằm đánh giá đúng những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo sát đúng cho nhiệm kỳ tới.
Công phu, chất lượng và khoa học
Báo cáo chính trị là một trong những văn kiện trung tâm của Đại hội nên được Tiểu ban Văn kiện chủ động xây dựng từ rất sớm, thể hiện sự công phu, chất lượng và khoa học. Đồng chí Khiếu Ngọc Sáng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho biết: Đến nay, Báo cáo chính trị đã qua 8 lần dự thảo và đã tiếp thu ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cư trú tại Thái Bình và thành phố Hà Nội; tiếp thu ý kiến đóng góp của 13 đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các nhân sĩ, trí thức, cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu HĐND tỉnh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gửi và nhận được ý kiến tham gia bằng văn bản của 15 ban, bộ, ngành trung ương và các chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Hà Nội vào dự thảo Báo cáo chính trị. Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các đồng chí lão thành cách mạng và những người quan tâm tới sự phát triển của tỉnh.
Hầu hết các ý kiến đóng góp đều nhất trí cao với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và cho rằng dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, bố cục khoa học, chặt chẽ, văn phong rõ ràng, mạch lạc, tính khái quát cao, có tầm chiến lược, sát với thực tiễn của tỉnh. Các ý kiến đều bày tỏ sự vui mừng trước những đổi thay, phát triển mạnh mẽ của tỉnh, đặc biệt là kết quả xây dựng nông thôn mới, cấp nước sạch nông thôn, xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, sự phát triển về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, môi trường đầu tư, cải cách hành chính, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đa số ý kiến cho rằng những kết quả đạt được của tỉnh nhiệm kỳ qua là do sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Về hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, hầu hết ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo chính trị đã phản ánh rõ, thể hiện tính nghiêm túc, tinh thần tự phê bình, phê bình và thái độ khiêm tốn, cầu thị. Bố cục dự thảo Báo cáo chính trị lần này có nhiều đổi mới, được kết hợp bố cục truyền thống với bố cục hiện đại; được sắp xếp lại kết cấu theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, chuyển công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị lên phần đầu, tiếp theo là kết quả phát triển kinh tế - xã hội và công tác quốc phòng, an ninh.
Thể hiện tầm nhìn chiến lược
Đến nay, dự thảo lần 8 Báo cáo chính trị đã được cập nhật hệ thống số liệu mới nhất về dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các mục tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 2045 bảo đảm sát tình hình thực tiễn và tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hệ thống chỉ tiêu và hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ, nhiều nét mới, sáng tạo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị của Đảng bộ, phản ánh đúng nguyện vọng và ý chí của nhân dân trong tỉnh, đồng thời cụ thể hóa được những định hướng lớn trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Tỉnh ủy duyệt nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá: Các dự thảo văn kiện, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX được chuẩn bị nghiêm túc, có chất lượng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của trung ương, sát với thực tiễn địa phương. Qua dự thảo Báo cáo chính trị cho thấy, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã phát huy truyền thống và tiềm năng sẵn có ở địa phương và có khát vọng vươn lên, thể hiện rõ nét khi hầu hết các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho ý kiến vào một số nội dung về công tác chuẩn bị Đại hội, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã được xây dựng nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng, cầu thị, trách nhiệm, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Trong dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định rõ 20 chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, 8 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 9 nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội; 3 nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm quốc phòng - an ninh; 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển. Đây sẽ là nội dung cốt lõi được thảo luận kỹ lưỡng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Cùng với chương trình hành động thực hiện cụ thể, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra, phấn đấu đến năm 2025 Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá; đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.