Thành phố Thái Bình: Hành trình 70 năm vươn mình phát triển
Kỳ 1: Chặng đường lịch sử
Từ ngày 30/6/1954 đến nay, thành phố Thái Bình đã trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển nhiều gian nan, thử thách nhưng cũng rất vinh quang. Thị xã nhỏ bé khi xưa nay đang vươn lên trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Thành phố Thái Bình hôm nay.
Thị xã Thái Bình - mảnh đất Kỳ Bố Hải Khẩu xưa luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của toàn tỉnh, đồng thời là tỉnh lỵ nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Truyền thống hào hùng
Thành phố Thái Bình xưa là vùng cửa biển rộng lớn Kỳ Bố Hải Khẩu, một vùng đất có truyền thống văn hóa, bề dày lịch sử, yêu nước và cách mạng. Thế kỷ thứ X, Kỳ Bố Hải Khẩu là căn cứ của tướng quân Trần Lãm và được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm điểm tựa dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên nước Đại Cồ Việt - nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong quá trình đấu tranh với giặc giã và cải tạo thiên nhiên, cư dân thị xã Thái Bình đã sớm hình thành những phẩm chất tốt đẹp với những truyền thống đáng tự hào: cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, chinh phục và cải tạo thiên nhiên. Năm 1890, tỉnh Thái Bình được thành lập và thị xã Thái Bình trở thành tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Những năm đầu mới ra đời, thị xã Thái Bình chỉ bao gồm đất đai, dân cư hai làng nông nghiệp Bồ Xuyên và Kỳ Bố của tổng Lạc Đạo và các khu phố xung quanh của phủ Kiến Xương. Sau đó, mảnh đất này ngày càng được mở rộng địa giới hành chính bao trùm lên không gian của một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, văn hiến.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin cho biết: Từ khi thực dân Pháp đặt Phủ Bo làm tỉnh lỵ thì phong trào đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp ở vùng đất này lại quật cường hơn. Những sự kiện vừa đấu tranh vũ trang vừa đấu tranh chính trị diễn ra liên tục đã tập dượt cho các tầng lớp nhân dân, tạo tiền đề thuận lợi để thanh niên, trí thức Thái Bình tiếp nhận những luồng tư tưởng mới. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá về Việt Nam thì thị xã Thái Bình là một trong những địa chỉ đỏ để Tỉnh hội Thanh niên Cách mạng đồng chí hội sớm ra đời tại trường tư thục Minh Thành vào năm 1928 và chi bộ Đảng Cộng sản thị xã ra đời vào ngày 30/6/1929. Đó là những mốc son đánh dấu bước ngoặt để các tầng lớp nhân dân thị xã Thái Bình quật khởi đấu tranh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và sớm giành chính quyền vào những ngày mùa thu tháng 8/1945.
Là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nơi hội tụ của người dân nhiều tỉnh, thành phố về cư trú, sinh sống nên ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào nhân dân thị xã Thái Bình cũng có những đóng góp quan trọng vào sự sinh tồn của dân tộc, tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, để lại dấu ấn đậm nét trong thiên nhiên, trong sinh hoạt xã hội, trong tính cách con người thị xã. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy, nhân dân thị xã với tinh thần “Tất cả để kháng chiến, tất cả để chiến thắng” vững tay cày, chắc tay súng, sản xuất dưới đạn thù, lấp hố bom để cấy hết diện tích, lập nhiều chiến công như phá căng chợ Bo, phá bốt chợ Bo, bẻ gãy trận càn “Con trâu”, đập tan trận càn “Trái quýt”... Trong hơn 4 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thị xã Thái Bình đã kết hợp xây dựng cơ sở nội thị với cơ sở ngoại thị, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; cùng quân và dân trong tỉnh đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Bưu điện cũ.
Ký ức không quên
Thực hiện Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân thị xã Thái Bình tích cực đóng góp sức người, sức của với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Tại vùng tạm chiếm, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy về “công tác Đông - Xuân 1953 - 1954”, Thị ủy chỉ đạo các chi bộ một mặt tiếp tục chống bắt lính, tăng cường binh địch vận, vận động gia đình binh lính ngụy đòi chồng con về nhà làm ăn hoặc kêu gọi họ đào ngũ, giải ngũ, thoái thác nhiệm vụ, mặt khác ra sức củng cố, bảo vệ đường dây, cán bộ, các cuộc họp chu đáo; tăng cường hoạt động quân báo, phối hợp với bộ đội nghiên cứu, trinh sát trận địa, chuẩn bị tác chiến. Cũng như con người, lịch sử đất này đủ cả thăng trầm, tan hợp, gian khổ và vinh quang. Chỉ kể trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thị xã Thái Bình bị kìm kẹp trong vùng tạm chiếm, người dân sống cảnh “cá chậu, chim lồng”. Ngày 30/6/1954, cả đất trời cùng trái tim mọi người cùng vỡ òa trong niềm vui giải phóng. Đó là dấu son, một nét nhạc trầm hùng bất tận. 23 giờ ngày 30/6/1954, trên đất thị xã Thái Bình không còn bóng quân thù; giặc rút đến đâu lực lượng của ta tiếp quản đến đấy, nhanh gọn, an toàn. Cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang... đã làm tròn nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ an toàn cho đến khi bàn giao cho tỉnh. Từ ngày 13 - 19/7/1954, Thị ủy tổ chức tuần lễ mít tinh chào mừng thắng lợi. Sau mít tinh, từng đoàn người diễu hành khắp các tuyến đường lớn của thị xã để biểu dương lực lượng, thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng miền Bắc mạnh giàu, đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước...
Dù mắt đã mờ, lưng đã mỏi nhưng tâm trí bà Nguyễn Thị Hiên, 85 tuổi, tổ 1, phường Trần Lãm vẫn bồi hồi, xúc động khi nhớ về ngày giải phóng thị xã Thái Bình: Ngày ấy, tôi mới 15 tuổi, theo bạn bè trong làng hòa vào dòng người mừng chiến thắng. Đường phố đông nghịt người nhưng không lộn xộn, từ già đến trẻ ai nấy đều xếp hàng ngay ngắn, chỉnh tề, mừng vui khôn xiết khi thấy bộ đội ta diễu hành qua các con phố. Những tiếng hô vang: “Độc lập muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm” nối dài không ngớt và tới tận bây giờ vẫn còn vương vấn trong tôi mỗi khi kỷ niệm ngày giải phóng.
(còn nữa)