Bộ Y tế hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1242/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19.
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1242/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19.
Theo Bộ Y tế, Covid-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và các triệu chứng lâu dài ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày. Trong một số trường hợp, những triệu chứng này có thể tồn tại quá 12 tuần và nay được gọi là các tình trạng sau mắc Covid-19. Các triệu chứng thông thường được cải thiện theo thời gian và tài liệu này cung cấp những gợi ý thiết thực để người dân tự quản lý các triệu chứng thông thường này. Nếu các triệu chứng này xấu dần đi hoặc không được cải thiện theo thời gian, việc thăm khám bởi nhân viên y tế là cần thiết.
Trong tài liệu hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra lưu ý về những biến chứng y khoa có thể xuất hiện trong quá trình phục hồi sau khi mắc Covid-19. Đặc biệt, khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào trong 5 dấu hiệu cảnh báo sau đây, người dân cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế. Cụ thể là:
- Thấy khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng này không cải thiện khi thực hiện bất kỳ tư thế làm giảm khó thở như: Nằm sấp; nằm nghiêng một bên cao đầu với đầu gối co nhẹ; ngồi cúi đầu ra trước; đứng cúi đầu ra trước, tay chống hông hoặc eo; thực hiện các kỹ thuật tập thở…
- Có sự thay đổi tình trạng khó thở khi nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật vận động và tập thể dục.
- Thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực.
- Tình trạng lẫn lộn ngày càng xấu đi hoặc bạn cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói.
- Thay đổi cảm giác và vận động trên mặt, tay hay chân, đặc biệt là các dấu hiệu này chỉ có ở một bên cơ thể hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.
Cũng tại tài liệu này, Bộ Y tế đưa ra lưu ý về vấn đề kiểm soát khó thở; vận động và tập thể dục; quản lý mệt mỏi; kiểm soát các vấn đề về giọng nói; kiểm soát các vấn đề liên quan đến nuốt; chế độ dinh dưỡng và các vấn đề liên quan đến khứu giác, vị giác; kiểm soát các vấn đề liên quan đến sự chú ý, trí nhớ và suy nghĩ rõ ràng; kiểm soát các vấn đề về căng thẳng, lo âu, trầm cảm và giấc ngủ; cách kiểm soát cơn đau; những lưu ý khi trở lại làm việc.