Đầu Xuân trẩy hội Đền Trần Thái Bình
Lễ hội Đền Trần Thái Bình, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà được tổ chức vào dịp đầu xuân hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời.
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội Đền Trần năm 2024. Ảnh Nguyễn Tuyết.
Điểm hành hương đầu Xuân trên miền đất cổ
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp lễ hội Đền Trần Thái Bình, gia đình ông Đinh Văn Ly, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội đều trở về trẩy hội. Ông Ly chia sẻ: Quê tôi ở Hưng Hà, năm nào vợ chồng tôi cũng về Đền Trần vào dịp lễ hội để vãn cảnh, thắp hương. Đây cũng là điểm hành hương đầu tiên của gia đình trong dịp đầu xuân năm mới. Sau đó, chúng tôi đến một số điểm di tích khác trên địa bàn tỉnh như Đền Tiên La, Chùa Keo, Đền Đồng Bằng… để cầu cho bản thân và gia đình sức khỏe, bình an. Tôi thấy tự hào vì quê hương đổi mới rất nhiều. Đặc biệt lễ hội Đền Trần mỗi năm một quy mô, hoành tráng, phong phú hơn. Dù chưa đến ngày khai hội nhưng tôi thấy lượng du khách về trẩy hội rất đông.
Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 khai mạc vào tối ngày 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Ảnh Nguyễn Tuyết.
Còn với chị Huỳnh Thị Như Thanh, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, đây là lần thứ hai chị hành hương về Đền Trần Thái Bình. Chị Thanh cho biết: Nếu như lần đầu đến với Đền Trần để tham quan, dâng hương với cảm xúc dâng trào khi được về với nơi phát tích của một vương triều phát triển rực rỡ nhất trong tiến trình lịch sử phong kiến Việt Nam với 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông; được tìm hiểu thêm về lịch sử, cội nguồn của dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều Trần với hào khí Đông A sáng ngời, thì lần này tôi thấy choáng ngợp trước không gian, quy mô và các thức tổ chức lễ hội. Tôi cũng rất háo hức đón chờ đón chương trình khai mạc lễ hội được tổ chức vào tối ngày 13 tháng Giêng với nhiều nội dung đặc sắc được dàn dựng công phu.
Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm nay dự kiến số lượng lớn du khách thập phương về trẩy hội. Ảnh Nguyễn Tuyết.
Không chỉ những ngày diễn ra lễ hội, Đền Trần Thái Bình mới đón lượng du khách lớn mà ngày đầu xuân, nhiều du khách thập phương đã trở về Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần để tham quan, vãn cảnh, dâng hương. Năm nay do thời tiết thuận lợi, ấm áp là điều kiện lý tưởng để mọi người du Xuân, đi lễ nên ngay từ đầu năm Giáp Thìn, Đền Trần Thái Bình đã đón hàng chục nghìn lượt khách thăm viếng.
Đa dạng các hoạt động lễ hội
Theo kế hoạch, lễ hội truyền thống Đền Trần Thái Bình năm 2024 sẽ chính thức khai mạc vào hồi 20 giờ ngày 22/2/2024 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với chủ đề “Hào khí Đông A - Tiếng vọng ngàn năm”. Năm nay, lễ hội tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp tỉnh nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Để phát huy những giá trị văn hóa của di sản phi vật thể, lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 được kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng - Hưng Hà; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân mới.
Năm nay, lễ hội tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Ảnh Nguyễn Tuyết.
Đồng chí Trần Hữu Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: Lễ hội đền Trần năm 2024 được khai mạc vào tối ngày 22/2 (ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn) và diễn ra trong 5 ngày. Đến thời điểm này, các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức lễ hội đã được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hoàn tất, sẵn sàng cho chương trình khai mạc. Năm nay, tại chương trình khai mạc lễ hội cùng với các nghi thức truyền thống sẽ có các nội dung độc đáo như: Màn trống hội “Long Hưng – Tôn miếu triều Trần” hội tụ 175 tay trống biểu thị cho 175 năm trị vì của vương triều Trần, vở diễn bán thực cảnh kết hợp trình diễn 3D mapping “Hùng oanh một cõi trời Nam” cùng nhiều màn trình diễn văn nghệ đặc sắc mang đậm dấu ấn về một vương triều cường thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Vở diễn bán thực cảnh kết hợp trình diễn 3D mapping “Hùng oanh một cõi trời Nam”. Ảnh Nguyễn Tuyết.
Trong thời gian lễ hội, còn diễn ra có các hoạt động như: Triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi cỗ cá, thi kéo lửa nấu cơm cần, kéo co; liên hoan hát văn, hội thi viết thư pháp, thi têm trầu cánh phượng, giải vật cầu, cờ tướng, giao lưu các câu lạc bộ chèo và triển khai gian hàng giới thiệu sản phẩm Ocop… Trong đó, liên hoan hát văn sẽ diễn ra vào tối ngày 15 tháng Giêng ở sân tòa trung tế đền Vua, thu hút sự tham gia của Hội Thanh đồng đạo quan các huyện trong tỉnh. Chương trình bao gồm các giá đồng trong hệ thống thờ nhà Trần và hệ thống thờ Tứ phủ như giá Đức Thánh Trần, giá chầu Bát Tiên La, giá các Quan Hoàng... nhằm góp phần giữ gìn, phát triển và lan tỏa nghệ thuật chầu văn.
Màn trống hội “Long Hưng – Tôn miếu triều Trần” hội tụ 175 tay trống biểu thị cho 175 năm trị vì của vương triều Trần. Ảnh Nguyễn Tuyết.
Với triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình đã lựa chọn được gần 80 tác phẩm nghệ thuật của các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh và Mỹ thuật tham gia triển lãm. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình thông tin: Các tác phẩm là thành quả từ những chuyến thực tế sáng tác của các nghệ sĩ tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, xoay quanh các lễ hội truyền thống, nhịp sống thường ngày, vẻ đẹp đất và người trước mùa xuân sang, ngoài ra còn có những tác phẩm hội họa hình tượng rồng chào năm Giáp Thìn 2024 sẽ góp phần tạo nên niềm vui, khí thế mới cho mỗi người khi được thưởng thức nghệ thuật trong không gian lễ hội truyền thống. Toàn bộ các tác phẩm tham gia triển lãm sẽ được hoàn thiện khâu trưng bày từ ngày 12 tháng Giêng để phục vụ nhân dân trong suốt các ngày lễ hội diễn ra.
Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức lễ hội
Từ nhiều tháng qua, mọi công tác chuẩn bị cho chuỗi hoạt động diễn ra trong suốt lễ hội đã được khẩn trương thực hiện. Ảnh Nguyễn Tuyết.
Để lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 diễn ra trang nghiêm, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, từ nhiều tháng qua, mọi công tác chuẩn bị cho chuỗi hoạt động diễn ra trong suốt lễ hội đã được khẩn trương thực hiện. Bên cạnh hoàn thiện xây dựng kịch bản chi tiết chương trình khai mạc lễ hội Đền Trần và các chương trình nghệ thuật, huyện Hưng Hà còn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức nghi lễ truyền thống, các hoạt động phần hội. Trước đó đã tu sửa một số hạng mục công trình tại di tích; lắp mới hệ thống camera giám sát; xây dựng mới hệ thống ki-ốt dịch vụ bán hàng...
Các đơn vị tích cực luyện tập cho chương trình lễ khai mạc.
Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt được chú trọng. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trong những ngày diễn ra lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024, Công an tỉnh, Công an huyện Hưng Hà đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia 15 tổ trực bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm tổ chức lễ hội, 11 chốt tuần tra lưu động để hướng dẫn và bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn.
Công an xã Tiến Đức nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán bố trí hàng hóa gọn gành theo quy định. Ảnh Hoàng Thủy.
Thượng tá Trần Văn Kiên, Trưởng Công an huyện Hưng Hà cho biết thêm: Các lực lượng sẵn sàng triển khai đội hình, phương tiện thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống cháy nổ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân không lấn chiếm lòng, lề đường; tuần tra kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, quyết tâm bảo đảm an ninh trật tự cho lễ hội, mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi về trẩy hội.
Bảo đảm không gian xanh - sạch - đẹp tại lễ hội Đền Trần Thái Bình.
Nhằm đảm bảo hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các đoàn đại biểu, du khách và nhân dân trong thời gian diễn ra lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024; đồng thời bảo đảm tốt việc thường trực, xử trí cấp cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra; thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo quy định phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội, Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà đã ban hành kế hoạch về bảo đảm công tác y tế trong thời gian diễn ra lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024.
Đồng chí Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp cùng UBND xã Tiến Đức và Ban Quản lý Đền Trần làm tốt công tác vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng ngõ xóm, xử lý tốt chất thải, phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực lễ hội, bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với hai bệnh viện đa khoa Hưng Hà, Hưng Nhân thành lập đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm, các cửa hàng, quán ăn trong khu vực lễ hội và các xã lân cận trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Ngoài ra, đơn vị bố trí thường trực mỗi ngày có 1 kíp trực y tế với đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, 1 xe cứu thương trực 24/24 để sẵn sàng xử lý, cấp cứu các diễn biến về sức khoẻ của đại biểu và khách thập phương về dự hội.
Chương trình khai mạc lễ hội được tổ chức vào tối nay (13 tháng Giêng) với nhiều nội dung đặc sắc được dàn dựng công phu. Ảnh Nguyễn Tuyết.
Không chỉ trong mỗi dịp du xuân và lễ hội truyền thống, Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần luôn là điểm đến quan trọng trên bước đường hành hương về nguồn cội, nơi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử nhà Trần của du khách thập phương. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Hưng Hà nói riêng, Thái Bình nói chung, lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống, nhân văn đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước khi về với miền quê Thái Bình.