Đông Hưng: Khoanh vùng dập dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, huyện Đông Hưng đang tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Gia đình bà Trương Thị Duyên, thôn Nam An (Hồng Giang) có 1 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Bà Duyên cho biết: Ban đầu thấy trên da bò nổi vài nốt sần, sau thấy bò có thêm triệu chứng sốt, nốt sần nổi nhiều, bỏ ăn nên tôi đã báo ngay cho cán bộ thú y của xã đến kiểm tra. Tôi cũng đã cách ly bò khỏe mạnh ra khu riêng, đồng thời rắc vôi bột, phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu nuôi bò theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Từ đầu tháng 3, trên địa bàn xã Hồng Giang đã xuất hiện bệnh mới trên đàn trâu, bò với các triệu chứng bò sốt cao, giảm ăn, trên cơ thể nổi các u cục, tốc độ lây lan nhanh. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Toàn xã hiện có 161 con trâu, bò, trong đó có 107 con bò sinh sản, số bò mắc bệnh viêm da nổi cục hiện trên 10 con, hầu hết là bò sinh sản và bê. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi, chúng tôi đã báo cáo với cấp trên, đồng thời phối hợp lấy mẫu xét nghiệm, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp tiêu độc, khử trùng theo khuyến cáo, tiêm thuốc điều trị cho bò bị bệnh. Đến nay, chưa có con nào bị chết, có 8 con được điều trị tích cực đã khỏi song vẫn đang được theo dõi, cách ly tại gia đình. Xã cũng đã tiếp nhận vôi bột và hóa chất cấp phát cho các hộ chăn nuôi khử khuẩn chuồng trại để phòng dịch bệnh.
Xã Hồng Bạch có tổng đàn trâu, bò 257 con. Công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc đang được cấp ủy, chính quyền và các hộ chăn nuôi tập trung thực hiện tốt. Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong số 8 con bò của xã bị bệnh viêm da nổi cục, đã có 4 con được chữa khỏi. Bên cạnh việc tập trung chữa trị cho những con đang bị nhiễm bệnh, xã đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của cấp trên, dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên hệ thống truyền thanh; phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Xã cũng đã tiếp nhận và cấp phát 50kg vôi bột, trên 90 lít hóa chất cho các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Giao Ban Chăn nuôi và Thú y xã xuống các gia đình, nhất là gia đình có trâu, bò nhiễm bệnh hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Chủ động phát hiện, khai báo sớm, tiêm thuốc điều trị kịp thời, 1 con bò bị bệnh viêm da nổi cục của gia đình anh Đặng Văn Thắng, thôn An Di, xã Hồng Bạch sau 4 ngày điều trị các nốt u sần đã gần hết, bò đã ăn uống lại bình thường. Anh Thắng phấn khởi cho biết: Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ thú y của xã những ngày qua tích cực xuống tận gia đình kiểm tra, hướng dẫn và điều trị nên bò nhanh khỏi bệnh, không bị lây sang 3 con bò còn lại của gia đình. Đây là bệnh mới, nguy hiểm, nếu trâu, bò nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế gia đình, vì vậy các hộ chăn nuôi gia súc phải làm tốt việc giữ vệ sinh chuồng trại, diệt ve, bọ, muỗi thường xuyên...
Hiện toàn huyện Đông Hưng có khoảng 4.500 con trâu, bò của trên 1.700 hộ chăn nuôi. Để ngăn chặn kịp thời bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác khoanh vùng dập dịch, tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực công cộng, hộ chăn nuôi có bò nhiễm bệnh và khu vực xung quanh. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi nhận biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn; kịp thời khai báo dịch bệnh và chấp hành các quy định về xử lý dịch bệnh; không hoang mang, không giấu dịch nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh; không mua bán sản phẩm gia súc mắc bệnh... Đặc biệt, vừa qua huyện đã phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2021 và tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho tất cả trâu, bò trên địa bàn theo chỉ đạo của tỉnh. Yêu cầu các địa phương giám sát dịch bệnh tới từng hộ, trang trại chăn nuôi trâu, bò; huy động lực lượng thú y, chính quyền thôn, tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phát hiện, khoanh vùng và xử lý kịp thời trâu, bò nhiễm bệnh theo quy định.