Hiệu quả từ Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 - 2019 tại Thái Bình
Nhận thức sâu sắc sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn là những tài liệu cần thiết về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, công tác quản lý trên địa bàn cấp xã và cung cấp, trang bị nhiều tri thức về các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội cho các tầng lớp nhân dân tại cơ sở nên công tác quản lý, sử dụng và khai thác tủ sách ở địa bàn cơ sở tỉnh Thái Bình luôn được quan tâm và chú trọng.
Nhận thức sâu sắc sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn là những tài liệu cần thiết về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, công tác quản lý trên địa bàn cấp xã và cung cấp, trang bị nhiều tri thức về các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội cho các tầng lớp nhân dân tại cơ sở nên công tác quản lý, sử dụng và khai thác tủ sách ở địa bàn cơ sở tỉnh Thái Bình luôn được quan tâm và chú trọng.
Ngay sau khi Ban Bí Thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 30-KL/TW, ngày 08/02/2018 về tiếp tục thực hiện Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các địa phương, đơn vị quán triệt sâu sắc chủ trương trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn; yêu cầu quản lý và sử dụng sách trang bị cho cơ sở đúng mục đích và đối tượng quy định.
Hằng năm, sau khi các xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp nhận sách do Đề án trang bị đều tiến hành phân loại thành các nhóm ngành, lĩnh vực, lập sổ theo dõi, sắp xếp khoa học. Đồng thời, các địa phương đã xây dựng nội quy quy định rõ trách nhiệm của cán bộ phụ trách Tủ sách ở cơ sở và nội quy hoạt động, thời gian, hình thức phục vụ, phương thức khai thác. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, kiến thức qua sách, báo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Một số trung tâm học tập cộng đồng đã sử dụng các ấn phẩm trên làm tài liệu giảng dạy về các vấn đề như: chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh... làm phong phú thêm nội dung và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của các trung tâm. Nhiều tập thể và cá nhân đã áp dụng những kiến thức được trang bị từ các đề án sách của Trung ương vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực như: Hội phụ nữ Phường Bồ Xuyên (TP. Thái Bình) triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”...
Tính đến hết tháng 8/2020, Thái Bình được tiếp nhận 02 đợt sách với 49 đầu sách, 02 đĩa CD-ROM, tổng số 2.656 bộ với 44.051 cuốn sách của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Các đầu sách của Đề án giai đoạn 2018 - 2019 có sự đổi mới và đa dạng hóa về nội dung, giảm các nội dung lý luận, đặc biệt tập trung vào việc phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật mới, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức khối Đảng, chính quyền, đoàn thể, nội dung mới về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, các vấn đề khoa học thường thức, chăm sóc gia đình, Luật An ninh mạng... được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu nên đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tìm đọc, nghiên cứu, tham khảo và vận dụng vào thực tiễn. Các loại sách và ấn phẩm cũng đã giúp báo cáo viên các địa phương có thêm tư liệu để làm phong phú, sâu sắc hơn các bài giảng, các bài nói chuyện thời sự ở Đảng bộ, cung cấp thêm thông tin cần thiết, bổ ích, lý thú cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, góp phần quan trọng trong việc cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.
Trong công tác tiếp nhận, quản lý và khai thác sách từ Đề án đã xuất hiện một số đơn vị, tập thể và cá nhân quản lý, sử dụng sách hiệu quả như: Thị trấn Thanh Nê (nay là Thị trấn Kiến Xương huyện Kiến Xương), các xã: Đông Thọ, Phú Xuân và các phường: Bồ Xuyên, Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình)... Và một trong những điểm sáng thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh là xã Việt Thuận (Vũ Thư). Việt Thuận được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là 1 trong 2 đơn vị điểm của cả nước xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay, xã quản lý 04 tủ sách. Riêng thư viện của Trung tâm học tập cộng đồng có thủ thư và hệ thống sổ sách quản lý, có phòng đọc. Ngoài sách Đề án, còn có hàng nghìn đầu sách trên các lĩnh vực với nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với mọi lứa tuổi, nhu cầu. Đối với tủ sách thư viện, ngoài số lượng được Ủy ban nhân dân xã đầu tư kinh phí mua sắm, còn có các loại sách, báo, ấn phẩm do các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện và nhiều cá nhân cho tặng. Sách được tiếp nhận, vào sổ quản lý chặt chẽ, thư viện thường xuyên duy trì hàng nghìn đầu sách và 3 số báo gồm Báo Nhân dân, Báo Thái Bình và báo Đoàn thể để bạn đọc có được ngày thông tin trong ngày.
Hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở tiếp nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là trên Internet và các mạng xã hội, nguồn thông tin không chính thống, thiếu chuẩn xác. Mặt khác, trên thị trường xuất bản hiện nay có nhiều loại sách, báo, tạp chí chất lượng chưa đảm bảo, kiến thức, thông tin chưa được biên soạn, biên tập, thẩm định kỹ lưỡng. Do vậy, sách của Đề án là nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước cung cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở.
Qua việc thực hiện Đề án đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ kiến thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn. Đồng thời, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vào cuộc sống.