Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020
Sáng ngày 18/6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/1/ 2013 (gọi tắt là Đề án 89).
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam dự hội nghị.
Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh dự hội nghị.
Sau 8 năm triển khai thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó nòng cốt là cơ sở giáo dục thường xuyên được phát triển và mở rộng. Hiện cả nước có hơn 17.000 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; hơn 10.000 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống. Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 -2020 đã đóng góp quan trọng vào kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.
Theo đó, 63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. 21 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 3 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức cao nhất là mức độ 3. 63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó 34 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cũng trong 8 năm qua, các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300.000 người trong độ tuổi 15-60 tuổi.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục Thái Bình cho biết, Thái Bình là tỉnh được chọn để xây dựng thí điểm mô hình trung tâm học tập cộng đồng đầu tiên trên cả nước và sau 4 năm, tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó đến nay, các trung tâm này đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục Thái Bình cũng đưa ra các giải pháp quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập; đây là nhiệm vụ không chỉ của ngành Giáo dục mà của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân tham gia trong xã hội học tập là yếu tố đặc biệt quan trọng, mỗi cá nhân vừa tự ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời vừa được hỗ trợ, khích lệ, ghi nhận trong học tập, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị liên quan, các địa phương cần tiếp tục quan tâm xóa mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học, tăng cường truyền thông và định hướng xã hội đối với học tập; đồng thời, gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, đơn vị vũ trang, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo các cơ hội học tập công bằng, bình đẳng, nhân văn và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, suốt đời. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế.