Rộn ràng phiên chợ sớm và duy nhất trong năm ở Vũ Thư
Chợ Nẽ (làng Từ Châu, xã Hoà Bình, huyện Vũ Thư) chỉ mở họp duy nhất một lần trong năm và có lẽ là phiên chợ được tổ chức sớm nhất ở Thái Bình.
Người dân đến chợ chủ yếu mua muối cầu may và vãn cảnh chùa đầu xuân.
Ngay từ sáng mùng 2 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phiên chợ đã mở họp và thu hút hàng vạn người đến tham gia với không khí vui tươi như đi trẩy hội. Năm nay, thời tiết tạnh ráo, ấp áp, đường sá sạch đẹp, phong quang nên du khách đến chợ Nẽ tấp nập hơn.
Chị Bùi Thị Lan Anh, thị trấn Vũ Thư chia sẻ: Năm nào vào đầu xuân mới, gia đình tôi cũng đi chợ Nẽ để cầu may. Chợ gắn liền không gian chùa Nẽ với cảnh quan đẹp, không khí vui vẻ khiến ai đến đây cũng phấn chấn và cùng cầu mong một năm nhiều may mắn.
Chợ Nẽ không giống với bất cứ chợ nào vì chợ họp giữa sân chùa, không nhà lán, không ki-ốt. Hàng hóa mua bán tại phiên chợ cũng chỉ có muối và gạo. Người mua, kẻ bán không trả giá, mặc cả mà vui vẻ trao cho nhau.
Bà Nguyễn Thị Thích, một người bán muối đầu cổng chùa cho biết: Theo phong tục “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, hơn 30 năm qua, phiên chợ Nẽ nào tôi cũng mang muối đến bán cho bà con. Muối là biểu hiện cho sự bao la rộng lớn của biển cả và mang vị mặn nồng của đất trời. Cho nên khi bán muối là mình trao gửi, mang tới may mắn, tài lộc và sự khoáng đạt cho mọi người trong năm mới nên cũng không định giá cả là bao nhiêu. Người mua nhận muối và mừng tuổi lại tiền, ít hay nhiều không quan trọng, ai cũng vui vẻ cả.
Chợ họp ngay giữa sân chùa Nẽ nên dù người đông nhưng không quá ồn ào như ở các phiên chợ thông thường khác.
Đến chợ Nẽ, người người không chỉ đi cầu may mà còn được hành lễ, vãn cảnh ngôi chùa cổ kính có niên đại hàng trăm năm để cảm nhận sự thanh tịnh, thư thái ngày đầu xuân mới. Các nam thanh, nữ tú đến chợ mong được gặp gỡ, trò chuyện, hỏi han nhau về những điều đã trải qua sau một năm bận bịu công việc, xa cách và mong có được một năm mới thuận buồn xuôi gió. Những lứa đôi coi nơi đây như điểm hẹn giao lưu tâm tình, trao duyên nên cũng từ phiên chợ Nẽ đã có biết bao nhiêu đôi trai gái đã nên vợ thành chồng.
Những nam thanh nữ tú coi chợ Nẽ là điểm hẹn hò, cầu mong tình duyên tốt lành đến với mình.
Là người có cả tuổi thơ gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng khi viết về chợ Nẽ đã xúc động bày tỏ: “Chợ năm họp một phiên/ Bốn mùa dồn ở giữa/ Phiên trước là nỗi nhớ/ Phiên sau thành tình thương”.
Ngôi chùa cổ kính có niên đại hơn 200 năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái dịp đầu xuân.
Theo các cụ cao tuổi ở làng Từ Châu, xã Hòa Bình thì chợ Nẽ xuất hiện theo một cách rất đặc biệt. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đoàn quân do chủ tướng Nguyễn Kim Nho và phó tướng Trần Huyền cầm quân đi xuôi dòng sông Hồng đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi nước ta. Trên đường hành quân, vào ngày 30 tết năm đó thì đi đến địa phận Trang Điền (nay là mảnh đất Bổng Điền, xã Bách Thuận), vì đường xa, quan quân đều mệt và lương thực cũng gần cạn nên Nguyễn Kim Nho cho đoàn quân nghỉ lại. Sáng ngày mùng 1 tết thì cho quân xuôi xuống bến Vều nghỉ thêm một ngày dưỡng sức và cùng với nhân dân trong vùng ăn tết. Bước sang ngày mùng 2 tết, ông và Trần Huyền tổ chức mua thêm lương thảo chủ yếu là gạo và muối. Đồng thời vận động nhân dân hỗ trợ lương thực tại gò đống cao - nơi đất đai trù phú, cư dân đông đúc, cảnh trí tươi đẹp. Sau khi mua và quyên góp đủ lương thảo, quan quân được dưỡng sức, bộ tướng Nguyễn Kim Nho và Trần Huyền quyết định thần tốc đuổi đánh quân Thanh, khiến chúng không kịp trở tay, hồn xiêu phách lạc tháo thân chạy ra biển về nước. Trong trận chiến oanh liệt này, phó tướng Trần Huyền đã bị thương rồi mất trên đường về tại bến Vều, được an táng ở làng Trà Sen.
Chùa Nẽ còn lưu giữ nhiều đồ thờ cổ quý và chiếc khánh đá có niên đại hàng trăm năm.
Nhớ công ơn và tưởng nhớ đến quan quân của Nguyễn Kim Nho, nơi đống cao nhân dân lập chùa đặt tên chùa Nẽ theo tên làng và hàng năm cứ vào ngày mùng 2 tết người dân trong vùng lại tổ chức phiên chợ đầu năm mua bán muối, gạo. Nét đẹp văn hóa với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” này được địa phương gìn giữ, phát triển suốt 235 năm qua.