Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết ngày 24/11/2021 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến phức tạp, số xã có dịch, số lợn phải tiêu hủy do dịch tăng. Hiện bệnh xảy ra tại 71 hộ, 33 thôn, 19 xã, 6 huyện, thành phố.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết ngày 24/11/2021 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến phức tạp, số xã có dịch, số lợn phải tiêu hủy do dịch tăng. Hiện bệnh xảy ra tại 71 hộ, 33 thôn, 19 xã, 6 huyện, thành phố.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại các Văn bản số 4673/UBND-NNTNMT ngày 20/10/202, số 4532/UBND-NNTNMT ngày 11/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Công văn số 2257/SNNPTNT-CCCNTY ngày 16/11/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, nhất là các trang trại chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện tốt các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Hướng dẫn người chăn nuôi, đặc biệt là chủ các trang trại nuôi lợn tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; khử trùng nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi (nước uống, nước rửa chuồng); áp dụng các biện pháp tiêu diệt côn trùng, chuột tại khu vực chăn nuôi; sử dụng lưới, bạt, …. để ngăn chặn côn trùng, chuột xâm nhập vào chuồng nuôi.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, … của huyện, thành phố phối hợp với ngành chuyên môn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn quản lý; chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát tại các hộ giết mổ lợn; khuyến cáo người dân không nên chung nhau mua lợn giết mổ, nhất là ở các vùng đang xảy ra dịch bệnh.
Đối với các địa phương đang có ổ dịch xảy ra, không nhập lợn nuôi mới từ các địa phương khác, kể cả từ các hộ chăn nuôi khác trong cùng địa bàn; với các hộ, trại chăn nuôi đáp ứng được các yêu cầu về chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng đảm bảo an toàn sinh học, … thì được tái đàn trong chính cơ cấu đàn của hộ, trại nhưng không quá mật độ tối đa được phép chăn nuôi theo quy định.
Các địa phương chủ động bố trí sẵn sàng, đầy đủ nhân lực, vật lực, địa điểm tiêu hủy lợn bệnh cho phương án dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra trên diện rộng; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy trình xác minh dịch bệnh, xử lý dịch, tiêu hủy lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh theo quy định. Công bố dịch khi đủ điều kiện theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn tỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; phối hợp kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, vận dụng linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học để người chăn nuôi chủ động thực hiện, bảo vệ và phát triển đàn lợn, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành, của tỉnh.